- Nhìn lại nhiệm kỳ QH khóa 13 (2011-2016) về xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh dấu ấn sâu đậm nhất, đó là việc thông qua Hiến pháp năm 2013.
Ông cho hay, bên cạnh đó, trong gần 2 năm rưỡi qua, QH đã thông qua hơn 70 luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó có những luật, bộ luật lớn như bộ luật Dân sự, luật Doanh nghiệp, Đầu tư, Đất đai, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, bộ luật Hình sự, các luật, bộ luật tố tụng... và đặc biệt là một số thể chế về quyền con người lần đầu tiên được ban hành như luật Trưng cầu ý dân...
Tính chung, số lượng 100 luật, 10 pháp lệnh được QH, UBTVQH khóa 13 ban hành đã làm nên kỳ tích về khối lượng luật, pháp lệnh lớn nhất được thông qua trong một nhiệm kỳ so với 12 khóa trước của QH, phản ánh bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Hoàng Long |
Phải chăng “nút thắt” thể chế vẫn còn nên tại Đại hội Đảng 12 vừa qua, yêu cầu về đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị vẫn tiếp tục được đặt ra? Theo Bộ trưởng, phải làm gì tiếp trong nhiệm kỳ tới?
Đó là thiết chế bảo vệ Hiến pháp chưa được ghi nhận trong khi Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta lại quy định “việc toàn dân phải bảo vệ Hiến pháp”.
Đó là tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền chứ không theo đơn vị hành chính và việc thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia độc lập với Tòa án tối cao để chịu trách nhiệm về các vấn đề tổ chức, nhân sự và tài chính của hệ thống tòa án, đảm bảo nguyên tắc độc lập của tòa án đã được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta, đảm bảo sự không lệ thuộc lẫn nhau giữa các tòa án và giữa tòa án với các cấp chính quyền địa phương.
Hoặc như, Hiến pháp đã mở ra nguyên tắc tổ chức các cấp chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và giao cho luật quy định cụ thể.
Tuy nhiên, luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số luật liên quan lại chưa làm được điều đó, dẫn đến chưa khắc phục, tháo gỡ được một trong những nút thắt thể chế lớn, đó là mô hình tổ chức chính quyền, và từ đó là cách thức điều hành, quản lý của chính quyền địa phương chưa thực sự phù hợp với những đòi hỏi đặc thù của mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn nông thôn, hải đảo, miền núi hay đô thị, nhất là những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.
Những điều này đã và sẽ còn là sự vênh giữa đổi mới chính trị và kinh tế, là rào cản thể chế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nói riêng, sự phát triển của cả nước nói chung.
Có điều gì mà Bộ trưởng còn cảm thấy băn khoăn, luyến tiếc trong việc xây dựng thể chế nhiệm kỳ qua?
Quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh triển khai Hiến pháp năm 2013 không hề dễ dàng, suôn sẻ, nó thực sự là một cuộc đấu tranh đầy trăn trở, dai dẳng giữa cái cũ và cái mới cả trong tư duy lẫn trong kỹ năng lập pháp ở ngay trong mỗi ban soạn thảo, hội đồng tư vấn hoặc ở mỗi giai đoạn thẩm định, thẩm tra, thảo luận cho ý kiến, chỉnh lý tiếp thu, giải trình…
Thậm chí đến cả phiên họp thông qua luật mà mục đích chỉ là để hiểu cho đúng, cho thống nhất, thể hiện đầy đủ, nhất quán, đồng bộ các nguyên tắc, các quy định và tinh thần của Hiến pháp trong các dự án luật, pháp lệnh được thông qua…
'Món nợ'
Chính phủ, Quốc hội khóa 13 còn “nợ” người dân dự án luật Biểu tình, tại sao dự án luật này cứ xin khất?
Qua thảo luận, Chính phủ nhận thấy đây là luật mới, phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là khác nhau trong nhận thức về quyền biểu tình và giới hạn thực hiện quyền biểu tình theo đúng nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được quy định tại điều 14, khoản 2 Hiến pháp năm 2013.
Dự án luật, một mặt phải ghi nhận quyền và xác định các biện pháp cụ thể, khả thi để người dân thực hiện quyền biểu tình trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế và chủ trương mở rộng dân chủ ở nước ta hiện nay.
Mặt khác, phải bảo đảm quyền biểu tình được thực hiện trên cơ sở tôn trọng trật tự công, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng quyền biểu tình để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quốc gia, dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
So với những yêu cầu trên, Chính phủ nhận thấy dự án luật cần phải được chỉnh lý thêm và chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thêm. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng của dự án luật.
Tôi đã hoàn thành trách nhiệm
Nhìn lại 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, ông có cảm thấy hài lòng với những gì mà mình đã làm được không?
Trong 2 nhiệm kỳ qua, với tư cách là Bộ trưởng, tôi đã nỗ lực bằng tất cả tâm, trí và sức mình để làm tròn vai “Tư lệnh ngành Tư pháp”. Điều tôi tâm đắc nhất là thấy Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đang dần trở lại vị thế cần thiết của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tôi đã từng chia sẻ với báo chí, đầu tư một con đường, một chiếc cầu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng có thể giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn, kinh tế - xã hội phát triển hơn, bộ mặt khởi sắc hơn, nhưng đó cũng chỉ là một con đường, một chiếc cầu giúp cho quốc kế dân sinh ở một khu vực.
Còn việc xây dựng một hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp trở xuống tới các bộ luật, các luật, nghị định, thông tư... có chất lượng, đúng hướng,vừa khai thác được đầy đủ tiềm năng của đất nước, sức sáng tạo của mọi người dân, vừa giữ được kỷ cương phép nước, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển dài lâu, bền vững của một đất nước, một dân tộc thì giá trị của nó không gì có thể so sánh được.
Chưa bao giờ công tác tư pháp lại gắn bó và phục vụ đắc lực, thiết thực nhu cầu hàng ngày của người dân như hiện nay. Dù nhiệm kỳ của Chính phủ khóa này có kết thúc sớm, cá nhân tôi vẫn cảm thấy mãn nguyện vì đã tận tâm hoàn thành trách nhiệm của mình cho đến ngày cuối cùng trên cương vị được Đảng và nhân dân giao phó.
Tôi mong muốn người kế nhiệm sẽ giữ vững và nâng cao hơn nữa vị thế của Bộ, ngành Tư pháp; kiên trì thực hiện các mục tiêu đã được đề ra.
H.Anh (ghi)