Cuối giờ chiều tại một ngã tư ở Hà Nội, trong dòng xe tấp nập, chị Nguyễn Thu Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) dừng xe vào vỉa hè để mua cho con trai 3 miếng gà rán thương hiệu con chị thích.
Mỗi miếng thịt gà rán nóng hổi có giá chỉ 22 nghìn đồng, rẻ hơn mà không mất thời gian gửi xe, xếp hàng vào trung tâm thương mại. Với những phụ nữ bận rộn như chị Thủy, hình thức bán hàng này rất tiện.
“Trước kia muốn mua thì mình phải gửi xe, vào cửa hàng đặt món, chờ đợi khá lâu. Giờ bán ở vỉa hè, mình chỉ cần ngồi trên xe sẽ có nhân viên phục vụ tận nơi, vô cùng tiện lợi”, chị cho biết.
Tương tự như gà rán, những chiếc bánh pizza cũng được bán bằng hình thức trên. Tại Linh Đàm, mỗi chiếc bánh pizza cỡ nhỏ, được các thương hiệu lớn bán ở điểm vỉa hè nhanh chóng thu hút người mua. Chưa tới 100 nghìn đồng, họ đã có một chiếc bánh pizza, vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang về nhà ăn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Gà bán bán ở vỉa hè (Ảnh:D.Anh) |
Xu hướng xuống đường ngày càng rầm rộ hơn khi một chuỗi cà phê nổi tiếng và một thương hiệu chuyên về gà rán và pizza đã mở rộng dịch vụ sang mô hình container đặt dưới các khu dân cư.
Trước Covid-19, McDonald’s tại TP.HCM đã làm thế. McDonald’s đã mang một kiosk nhỏ có hambuger và cà phê ra bán trước cửa hàng của mình tại đường Hoàng Diệu - Quận 4.
Otoké Chicken đã triển khai thí điểm một vài quầy kệ phục vụ bữa sáng cho khách hàng ở vỉa hè trước các cửa hàng ở TP.HCM. Chỉ phục vụ ăn sáng, Otoké Chicken chủ yếu bán hamburger và cà phê.
Không như các cửa hàng, các điểm bán ở vỉa hè thường theo giờ nhất định, phục vụ nhóm khách hàng bận rộn như dân văn phòng. Thực đơn cũng ít sự lựa chọn hơn. Nhưng điều quan trọng là giá rẻ, phục vụ tận nơi.
Từ KFC, McDonald’s, Otoké Chicken đến Pizza Hunt,... đều có những buổi bán hàng trực tiếp ở vỉa hè. Họ được biết đến là những thương hiệu lớn trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B) với các cửa hàng "phủ sóng" những vị trí đắc địa, ngã ba, ngã tư các con phố lớn.
Năng nhặt chặt bị
Vỉa hè vốn chỉ được những người bán hàng nhỏ lẻ ưa chuộng, nhiều ông lớn đã từng bỏ lửng. Trong bối cảnh hiện nay, các cửa hàng ăn nhanh đang chịu áp lực lớn về giá thuê nhà và tiền công, lượng khách ngày càng giảm. Họ chấp nhận tràn ra phố, không quan tâm đến điều tiếng sang hèn với tư duy "năng nhặt chặt bị". Hình bán hàng lưu động bằng xe ở các điểm vỉa hè đang là cứu cánh cho các cửa hàng ăn nhanh.
Thực tế, hoạt động kinh doanh của các đại gia ăn nhanh đang gặp khó khăn. Lotteria một thương hiệu ăn nhanh đến từ Hàn Quốc từng xôn xao khi một tờ báo Hàn cho hay, đơn vị này sẽ rút khỏi mảng thức ăn ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Lotte GRS đã ngừng hoạt động chuỗi thức ăn nhanh Lotteria ở Indonesia.
Vỉa hè là kênh bán hàng tiếp cận được thêm người mua |
Nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam, được thành lập đầu năm 2020, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của Lotte GRS tại các nước Đông Nam Á lân cận cũng trong quá trình đóng cửa. Tuy nhiên, sau đó phía Lotteria đã phủ nhận thông tin trên.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1998 đến nay, Lotteria là một trong những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phát triển tốt nhất tại Việt Nam.
Burger King vào Việt Nam năm 2012 với mục tiêu mở 60 cửa hàng trên toàn quốc. Hai năm sau, McDonald's xuất hiện, với kế hoạch mở 100 cửa hàng trong 10 năm. Nhưng trong những năm qua, Burger King đóng 5 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Xuống đường là xu hướng tất yếu khi cạnh tranh lên cao. Nhất là sau đại dịch Covid-19, chi phí mặt bằng là một trong những yếu tố nằm trong diện cắt giảm, chính vì vậy, mô hình bán hàng lưu động càng được nhiều người lựa chọn.
Theo JLL Việt Nam, nhiều chuỗi ẩm thực lớn của Việt Nam đang tìm đến mô hình ki-ốt và xe lưu động ẩm thực đường phố như một cách để thử nghiệm bán các món take away (mang đi) mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng.
Đơn cử như chuỗi cà phê Ông Bầu ra mắt ngay khi Covid-19 xuất hiện hồi đầu năm 2020, từ ban đầu đã tính đến mô hình bán cà phê trên xe đẩy. Đến nay, toàn hệ thống có 39 xe đẩy cà phê mang thương hiệu Ông Bầu, chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ với cam kết đồng nhất về chất lượng và giá cả như cà phê tại quán.
Tuy nhiên, có thể mô hình mới này không hiệu quả hoặc phụ thuộc quá nhiều vào vị trí cửa hàng, các thương hiệu vẫn không nhân rộng ra trên chuỗi của mình.
Trong tương lai, mô hình này sẽ có nhiều ưu thế thu hút nhóm khách hàng luôn tìm kiếm sự mới lạ nhưng vẫn phù hợp với cuộc sống bận rộn, như giới trẻ thuộc nhóm tuổi Millenial và Gen Z. Chính vì vậy, mảng thị trường này sẽ được quan tâm nhiều trong thời gian tới.
Duy Anh
Đừng 'chém gió' tỷ USD, hãy nhìn gánh hàng rong, bà bán xôi trên vỉa hè
Nói về khởi nghiệp ai cũng nghĩ tới điều lớn lao nhưng triết lý để thành công lại từ những câu chuyện quanh vỉa hè, con phố.