-Trước đề nghị mở rộng đối tượng được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ (súng bắn đạn nhựa, hơi cay, chất gây mê, lựu đạn khói, dùi cui điện…), ĐB Trương Trọng Nghĩa cảnh báo như vậy là “lợi bất cập hại”.

Thảo luận tại tổ chiều nay về dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhiều ĐBQH đồng tình mở rộng đối tượng được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ.

Đề nghị công an xã được cấp súng

Góp ý về việc có nên mở rộng trang bị vũ khí cho công an xã, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đã là công an thì phải chính quy và phải có công cụ thực hiện. Theo bà, cần giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công an xã như hiện hành nhưng phải chính quy hóa lực lượng này.

{keywords}

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

"Công an xã đang được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ rồi. Nếu giờ bằng luật này lại lấy đi thì bằng cách nào họ có thể bảo vệ an ninh trật tự địa phương ở cấp xã?", bà Nga đặt vấn đề.

Còn việc có nên trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra của VKSND Tối cao, bà Nga cho rằng, các cơ quan điều tra khác được giao vũ khí, công cụ hỗ trợ, cớ sao cơ quan điều tra của VKSND Tối cao lại không được.

"Một khi đã là tội phạm rồi, tính chất ở mỗi loại tội khác nhau thì khác nhau chút ít. Nhưng không thể nói rằng, hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ, công chức nhà nước nên không cần thiết phải giao vũ khí quân dụng”, bà Nga chỉ ra.

ĐB Ngô Minh Châu thì đề nghị mở rộng cho lực lượng thanh niên xung phong được trang bị công cụ hỗ trợ để họ hỗ trợ công an trong việc giải quyết các cuộc tụ tập đông người, biểu tình.  

Đề nghị này cũng được Viện trưởng VKS TP.HCM Dương Ngọc Hải ủng hộ để xử lý các vụ việc từ thực tiễn của TP.HCM. Ông Hải cũng đề nghị nên trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra của VKSND Tối cao.

Dễ gây phản cảm với dân

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng công an xã là 1 cấp của lực lượng CAND, quan điểm khi thẩm tra cho rằng nên cấp vũ khí cho lực lượng này. 

Còn điều tra viên của VKSNDTối cao, một số quan điểm nói không nên cấp vì đối tượng điều tra là công chức nhà nước, ý thức chấp hành cao hơn, tốt hơn các đối tượng khác ngoài xã hội. 

{keywords}

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: VPQH

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng công tác điều tra của VKS rất phức tạp, nếu không có gì trong tay thì sẽ rất khó khăn, nên cấp vũ khí cho họ.
 
“Khi rõ đối tượng cấp rồi thì quy trình cấp và quản lý phải rất chặt chẽ. Vụ Yên Bái lấy được súng là do cấp cho đi công tác rồi họ lấy bắn chứ không phải do luật sơ hở”, ông Việt dẫn chứng.
 
Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng mở rộng lực lượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ là “lợi bất cập hại”. 

“Thanh niên xung phong mặc màu áo xanh tượng trưng cho hoà bình mà đưa vũ khí, công cụ hỗ trợ cho họ không cẩn thận sẽ gây ác cảm của người dân với lực lượng này”, ông Nghĩa cảnh báo.  

Theo ĐB Nghĩa, chỉ những lực lượng như quân đội nhân dân, cảnh sát biển, công an…. mới cần trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ.

“Chẳng lẽ những lực lượng này thiếu người sử dụng vũ khí hay sao mà phải mở rộng trang bị cho thanh niên xung phong”, ông nhấn mạnh.

{keywords}

ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Phạm Hải

Hơn nữa theo ĐB Nghĩa, lực lượng này không được huấn luyện đầy đủ về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, nếu phát sinh sử dụng quá đà sẽ gây ra xung đột xã hội phức tạp. 

Giới hạn nổ súng rất mong manh

Góp ý về việc những trường hợp nổ súng và không được nổ súng, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng ranh giới giữa việc nổ hay không rất mong manh. 

“Giữa đúng và sai giới hạn rất mong manh. Có những trường hợp rất khổ cho anh em thi hành công vụ, nhưng cũng có những trường hợp lạm dụng”, bà Lê Thị Nga nói.

ĐB Nga cũng lưu ý cần cân nhắc với quy định, “không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”. Vì thực tế người già từ 60 tuổi trở lên có người còn rất khỏe. 

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Công Hồng cũng nhìn nhận quy định quyền nổ súng là khó nhất.

“Nếu quy định quá chặt thì bó tay cơ quan chuyên ngành, không đảm bảo đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh với tội phạm; nhưng nếu quy định quá lỏng thì sẽ dẫn đến lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền công dân. Liều lượng thế nào cho phù hợp là một việc rất khó”, ông Hồng nói.

T.Hằng - H.Nhì - T.Hạnh