- Câu chuyện những học sinh lớp 12 được cho là có học lực kém ở tỉnh Vĩnh Phúc không được đăng kí dự thi ĐH đặt ra nhiều vấn đề của giáo dục.

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Chủ trương mới này của Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc nhận được khá nhiều sự đồng tình, cho rằng đây là ý tưởng hay, cần ủng hộ, tuy nhiên cần được luật hóa. Song cũng không ít người đánh giá quy định này là sai luật, áp đặt, bệnh thành tích…Một số ít ủng hộ nhưng lo lắng về những tiêu cực có thể xảy ra như xin xỏ, chạy điểm nếu công tác phân luồng không được quản lý chặt chẽ.

Theo hiệu trưởng Trường THPT Đội Cấn Phan Hữu Tươi: “Hiện trường chỉ còn 20-30 HS học kém những vẫn muốn đăng ký thi ĐH. Trường đang tích cực vận động để các em thay đổi quyết định cho hợp lý”.

Hay và cần luật hóa!


Độc giả Đỗ Văn Thắng cho rằng việc các trường tư vấn cho học sinh như vậy là điều tốt cho HS và gia đình, đồng thời giảm tốn kém cho xã hội… "vì các em có thi đại học cũng không thể đỗ được. Nhưng vấn đề là các trường vận động, tuyên truyền thôi chứ cấm hẳn thì lại vi phạm Luật".

Một độc giả khác đề nghị Bộ GD&ĐT nên xem Vĩnh Phúc là một trường hợp đột phá trong xây dựng xã hội tiến bộ và nên thể chế hóa chủ trương này. "Sở GD Vĩnh Phúc nên thông qua Quốc Hội để bổ sung, hoàn thiện cho Bộ Luật Giáo dục".

Gọi hiện tượng này là "khoán 10" trong giáo dục, độc giả Vũ Hoàng Cương cho rằng những trường THPT làm được như vậy là có trách nhiệm xã hội cao, đem lại nhiều lợi ích cho phụ huynh, học sinh và giáo dục nước nhà. "Thật khâm phục Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc! Kính mong các thầy cô lãnh đạo và giáo viên trường THPT dũng cảm vượt qua khó khăn để thực hiện chủ trương này!"

Độc giả Nguyễn Vạn khen ngợi cách làm "quá hay" của Sở GD Vĩnh Phúc. "Điều gì xảy ra khi những học sinh kém vẫn được nộp hồ sơ thi đại học, nếu không đậu được ĐH-CĐ công lập thì các trường tư thục là cái nia sẽ hứng các em, rồi cũng CĐ, rồi sẽ liên thông ĐH, ra trường gia đình có mối quan hệ xã hội lai được vào các cơ quan công quyền, có phải chết dân không!"

Phạm luật và áp đặt

Ngược lại với những ý kiến đồng tình, độc giả Đặng Hải Triều cho rằng cần cho các em cơ hội, "làm như vậy là ép buộc! Đã nói là "tư vấn" thì cái quyền quyết định cuối cùng là do người được tư vấn chứ! Nó sẽ làm cho học sinh lười biếng, mất tinh thần phấn đấu. Khi các em thi thử thì kết quả không cao có nhiều nguyên nhân. Biết đâu sau khi thi thử thấy kết quả không tốt thì sẽ ráng học để thi đậu đại học. Đừng nên làm thế!"

Một học sinh THPT phản đối kịch liệt và đưa ý kiến: "Học sinh chúng em ai mà chẳng muốn bằng bạn bằng bè. Vi phạm quyền được học tập một cách trắng trợn thế này còn đâu là công bằng ... Áp đặt quá mức!"

Độc giả Nguyễn Văn Tuấn nêu ra một trường hợp hi hữu, học kém nhưng vẫn đỗ ĐH và cho rằng cách làm trên là chưa hợp lý. "Tôi từng gặp trường hợp một bạn không học hành gì, thậm chí thi tốt nghiệp THPT chỉ vừa đạt. Vậy mà trong vòng 1 tháng, từ lúc thi xong tốt nghiệp đến lúc thi đại học, bạn ấy cố gắng học chăm chỉ. Kết quả là được 20 điểm và đậu vào đại học đấy thôi!"

Không đồng tình với cách làm này, độc giả linhhonnguoiviet cho rằng đây là sự áp đặt đối với học sinh. Độc giả này ví cách làm này giống như dùng HS làm chuột thí nghiệm cho quy định mới.

Một giảng viên ĐH tha thiết mong báo chí vào cuộc để chấm dứt những quy định này, tạo tâm lý thoải mái cho các em. "Việc chọn thi vào ngành nào, trường nào, bậc học nào là quyền của các em học sinh. Nhà trường, thầy cô giáo chỉ tư vấn, góp ý với các em, chứ không cấm đoán, gây khó dễ cho các em học sinh như vậy. Các em lớp 12 đã rất mệt mỏi về chuyện học rồi, đừng gây thêm áp lực với các em học sinh nữa!".

"Nghe qua mọi người đều tưởng trường này rất có trách nhiệm với học sinh, nhưng thực tế là các lãnh đạo đang muốn có thành tích đỗ đạt cao nên sẵn sàng tước đoạt quyền lợi của học sinh" - một độc giả nhận xét.

Lại thêm tiêu cực?

Dù ủng hộ nhưng một số độc giả vẫn lo ngại về những tiêu cực có thể xảy ra nếu quy định này được nhân rộng mà không được quản lý công khai, minh bạch và chặt chẽ.

Độc giả tên Biên thừa nhận đây là hướng đi mới, định hướng tốt nhưng lại lo ngại "các khoá sau lại nảy sinh tiêu cực ở các trường THPT". Độc giả Khanh cũng đồng tình với cách làm này, "tuy nhiên các trường cần làm chặt chẽ tránh tình trạng xin-cho".

Cũng với lo ngại nảy sinh chạy điểm, hối lộ như trên, độc giả Hoàng Hùng phản đối kịch liệt và cho rằng các trường không có căn cứ gì để quyết định như vậy.

‘Sở không chỉ đạo từ chối hồ sơ”

Trước tranh cãi và áp lực từ dư luận, một số trường THPT của Vĩnh Phúc đã chấp nhận hồ sơ đăng kí thi ĐH của các em này, song vẫn có trường vẫn kiên quyết không nhận. Có trường nói với phụ huynh rằng nếu các em quyết tâm thi ĐH thì trường vẫn tạo điều kiện, nhưng khi HS đến nộp hồ sơ thì “thầy cô phụ trách nói không thu”.

Ông Nguyễn Xuân Trường – phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc khẳng định Sở không hề chỉ đạo các trường từ chối thu hồ sơ dự thi ĐH của HS, mà chỉ đề nghị các trường tư vấn, phân tích để HS, phụ huynh cân nhắc. Nếu nhà trường áp đặt là sai. “Chúng tôi mong muốn việc phân luồng có sự chuyển biến rõ rệt, một phần vì chính quyền lợi của HS, gia đình HS, một phần để điều chỉnh nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc trong tương lai. Nhưng việc này phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, dân chủ. Nếu thật sự có chuyện áp đặt, chứng tỏ vai trò tư vấn, hướng nghiệp cần phải chấn chỉnh, phải bồi dưỡng năng lực cho những giáo viên làm công tác này”.
 
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Dương Thị Tuyến – phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói trong khi nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng thì nhiều SV tốt nghiệp ĐH ra không có việc làm. Vì thế, tỉnh này đã quyết định hỗ trợ người học CĐ nghề 400.000 đồng/tháng, trung cấp nghề 350.000 đồng/tháng, bổ túc văn hóa + nghề 450.000 đồng/tháng. Đây là kế hoạch được tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra trong đề án dài hơi với giai đoạn đầu được tính từ năm 2011-2015.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

***********************************

Ý kiến của bạn về vấn đề này: