Bạn đọc Minh Nguyên đặt vấn đề: Hiện nay các ý kiến đều nói về tài xế lái xe và nữ gác chắn đoạn đường giao cắt. Không hề có chi tiết về đèn tín hiệu như thế nào, khi nào người gác sẽ mở barie cho phương tiện đường bộ chạy qua đường ngang. Tất cả đều thủ công hay tuân theo chỉ dẫn thế nào?

Ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh, an toàn giao thông (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, qua camera ghi lại cho thấy trước khi vụ tai nạn xảy ra đèn tín hiệu tàu đi qua đường ngang với đường bộ đã được bật lên nhưng nhân viên gác chắn chưa hạ gác xuống.

Trường hợp mất an toàn, nhân viên gác chắn phải ra tín hiệu dừng tàu

Về quy trình tác nghiệp của nhân viên gác chắn, một chuyên gia làm việc trong ngành đường sắt cho biết, theo quy trình khi tàu chuẩn bị chạy qua ga trước (gần nhất) nhân viên gác chắn được thông báo tàu chuẩn bị chạy qua đường ngang. Lúc này nhân viên gác chắn căn cứ cự ly nghe còi báo thì bật đèn tín hiệu và đóng barie lại. Khi chắn xong nhân viên gác chắn sẽ làm tín hiệu cho tàu chạy qua.

Trong trường hợp đường ngang giao cắt với đường bộ không thanh thoát, mất an toàn thì nhân viên gác chắn phải ra hiệu dừng tàu đồng thời cùng lúc xoay biển đỏ để báo hiệu cho tàu dừng lại.

“Có trường hợp nhân viên gác chắn xoay biển đỏ nhưng lái tàu không quan sát kịp nên đâm cả vào biển đỏ.

Về nguyên lý để hãm tàu cự ly lý tưởng phải 800 m, lái tàu mới có thể chủ động cho tàu dừng kịp. Nhưng nếu đầu máy toa xe có hệ thống hãm chất lượng tốt thì có thể hãm kịp ở cự ly ngắn hơn, nhưng cũng phải từ 300-400 m”, vị chuyên gia đường sắt cho biết.

Qua vụ tai nạn đường sắt ở Quảng Ngãi, vị chuyên gia đường sắt cho rằng, đây là vụ việc thương tâm và cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ, do vậy ông không đưa ra bình luận đánh giá.

Tuy nhiên vị này nói rõ, theo điều 25, Luật Giao thông đường bộ, đường sắt với đường ngang có gác chắn khi nghe chuông kêu đèn báo thì cùng lúc nhân viên gác chắn phải hạ chắn để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ.

Đối với đường ngang dân sinh không có gác chắn, khi đèn tín hiệu bật cho tàu chạy qua thì người điều khiển phương tiện phải quan sát khi di chuyển qua đường ngang giao cắt với đường sắt.

Diễn biến vụ tai nạn ở Quảng Ngãi

- Sáng 7/3, anh Nguyễn Trí M. (SN 1992, trú thôn Nam Bình 1, xã Bình Nguyên) điều khiển ô tô 7 chỗ BKS 76A-129.13, chở vợ và con trai là N.T.P (1 tuổi).

Khi ô tô anh M. đang vượt đường ray giao với đường dân sinh ở lý trình 901+580 thuộc xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn), thì bị tàu hỏa SH3 chạy hướng Bắc - Nam tông vào đuôi.

Cú tông mạnh khiến ô tô văng xa hơn 10m, lật ngửa bên đường sắt. Vụ tai nạn, khiến cháu N.T.P tử vong tại chỗ, còn anh M. và vợ bị thương được đưa đi cấp cứu.

- Sáng 9/3, ông Cao Minh Hỷ, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình (Quảng Ngãi) cho biết, nữ nhân viên gác chắn tàu V.T.U đã được cho tạm nghỉ để điều trị tâm lý.

- Chiều 9/3, Cục Đường sắt (Bộ GTVT) yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức tìm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả gửi về Cục Đường sắt trước ngày 15/3.


Gia Văn

Vụ tàu hỏa hất văng ô tô: Nhân viên gác chắn hoảng loạn nghỉ điều trị tâm lý

Vụ tàu hỏa hất văng ô tô: Nhân viên gác chắn hoảng loạn nghỉ điều trị tâm lý

Nữ nhân viên gác chắn trong vụ tàu hỏa tông ô tô khiến bé trai tử vong ở Quảng Ngãi được cho nghỉ việc để điều trị tâm lý.