Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn dừng dự án
Có mặt tại khu vực sắt Thạch Khê một ngày gần đây, PV. VietNamNet ghi nhận được nhiều thông tin liên quan quá trình triển khai dự án này.
Nhiều năm nay, dự án phải dừng lại, để lại một “di sản” về khai khoáng mà Hà Tĩnh chưa biết xử lý thế nào. Còn ở Trung ương, văn bản đi văn bản lại, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đã rót vào dự án hơn 1.800 tỷ đồng.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch gần bãi biển Thạch Hà tâm sự: "Nhiều năm nay dự án này vẫn chưa thấy ai quyết làm hay không làm. Chúng tôi vừa làm du lịch vừa lo".
Dự án Sắt Thạch Khê bao năm vẫn dền dứ chưa quyết làm tiếp hay không |
“Tại sao một dự án lớn như vậy, lúc quyết định đầu tư phải có đánh giá hiệu quả hay không rồi, sao bây giờ lại dừng lại? Tại sao dừng lại hẳn hay tiếp tục vẫn chưa có quyết định cuối cùng? Nếu các bên có nhiều ý kiến khác nhau, sao không có một cơ quan nào đứng ra ở giữa để phân xử làm hay không làm?”, hàng loạt câu hỏi được vị đại diện doanh nghiệp này đặt ra.
Thực tế, “số phận” của dự án sắt Thạch Khê được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị có nhiệm vụ đánh giá về việc đầu tư dự án.
Hà Tĩnh mấy năm gần đây quyết liệt phản đối đầu tư tiếp dự án này. Năm 2017, Bộ KH-ĐT đã có văn bản cho rằng “nên dừng dự án”. Trong khi đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng như chủ đầu tư là Công ty CP sắt Thạch Khê, không đồng tình.
Hai năm sau, vào cuối tháng 8/2019, sau khi họp hành, lấy ý kiến các bộ ngành, Bộ KH-ĐT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị “xem xét chủ trương dừng dự án của Công ty CP Sắt Thạch Khê và giao các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung giải pháp xử lý” trong trường hợp dừng dự án.
Cụ thể, Chính phủ “chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ KH-ĐT để hoàn thiện lập báo cáo trình Bộ Chính trị kết luận về chủ trương dừng Tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng sắt Thạch Khê và Dự án liên hợp luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của TIC”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.
Liệt kê hệ lụy để lại sau 10 năm dừng dự án, Bộ KH-ĐT cho rằng, dự án ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã với gần 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 946 thực hiện dở dang, chưa đạt như giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất,...
Hiện diện tích bị bỏ hoang không sản xuất được vì thiếu nước là 74,9ha.; du lịch bị ảnh hưởng do các nhà hàng, khách sạn không được đầu tư cải tạo và nâng cấp,...
Chủ đầu tư không đồng tình
Trả lời PV.VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê cho hay đã nhận được văn bản đề nghị dừng dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Hưng cho biết thêm đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 17/9 nêu ra những ý kiến không đồng tình với kết luận của Bộ này.
"Đến nay, dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý, đảm bảo tính khả thi, đủ điều kiện để tiếp tục triển khai. Nếu phải dừng theo kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH-ĐT sẽ tạo thành tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư của Việt Nam, mất đi niềm tin của các nhà đầu tư vào cơ chế, chính sách của Nhà nước pháp quyền - Chính phủ kiến tạo mà Đảng, Chính phủ đã dày công xây dựng", Công ty CP Sắt Thạch Khê. |
Công ty Sắt Thạch Khê khẳng định rằng các hệ lụy tiêu cực nêu trong văn bản của Bộ KH-ĐT phát sinh chủ yếu từ việc Dự án bị buộc phải tạm dừng thực hiện trong thời gian qua chứ không phải hoàn toàn là các hệ lụy từ việc thực hiện dự án. Nếu dự án không bị tạm dừng và tiếp tục được thực hiện, các hệ lụy tiêu cực đó khó có thể xảy ra hoặc tồn tại.
Trong văn bản 22 trang này, TIC đã đưa ra hàng loạt lập luận để phản biện lại ý kiến Bộ KH-ĐT.
Theo công ty này, nội dung văn bản của Bộ KH-ĐT chưa thể hiện đầy đủ các nội dung theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, cụ thể: Văn bản chưa phân tích đầy đủ các nội dung của dự án, cũng như chưa tổng hợp đầy đủ nội dung ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến,...
Theo TIC, việc tiếp tục triển khai dự án sẽ có cơ sở để sớm giải quyết những tồn tại, hệ lụy liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, an sinh xã hội,... do dự án tạm dừng trong thời gian qua; tạo niềm tin đối với người dân Hà Tĩnh nói chung, người dân vùng dự án nói riêng; Nhà nước không phải bố trí nguồn vốn lớn (hàng nghìn tỷ đồng) để xử lý hệ lụy của việc dừng (kết thúc) dự án.
Ông Nguyễn Quốc Hưng khẳng định dự án có hiệu quả về kinh tế và đảm bảo vấn đề môi trường trong quá trình khai thác. “Dự án khi đưa vào khai thác sẽ nộp ngân sách trong giai đoạn I khoảng trên 1.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn II trên 2.800 tỷ đồng/năm, góp phần tăng trưởng GDP cả nước”, TIC cho hay sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 3.500 lao động là người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.
Trong khi đó, nêu ý kiến về dự án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc đánh giá hệ lụy do dừng dự án phải được rà soát, đánh giá toàn diện kỹ càng nội dung cả phần tích cực và tiêu cực.
Còn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị phân tích, đánh giá, so sánh một cách toàn diện, khách quan và khoa học phương án dừng hay tiếp tục thực hiện dự án, làm cơ sở để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Phương án dừng dự án cần đánh giá, lượng hóa các chỉ phí và thời gian để khắc phục.
Bộ Tài chính quan điểm việc dừng có thời hạn/hay chấm dứt dự án đều phải có phương án rõ ràng, đảm bảo phát triển bền vững cho địa phương và hiệu quả tài chính cho chủ đầu tư.
Theo Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ quặng lớn của Việt Nam và khu vực với chất lượng quặng tốt, đủ điều kiện cho luyện kim. Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê thời điểm này phục vụ cho phát triển đất nước là hết sức cần thiết, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ, phù hợp với các Quy hoạch ngành và quy hoạch liên quan, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Lương Bằng