Hôm nay (23/8), phiên tòa xét xử vụ thâu tóm đất vàng ở Bình Dương tiếp tục với phần tranh luận. Chiều cùng ngày, HĐXX dành thời gian cho các bên liên quan đưa ra quan điểm xử lý đối với 2 khu “đất vàng” 43ha và 145ha.

Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương khu đất 43ha. Theo đại diện VKS, do khu đất này đã được thu hồi nên không buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường.

Quyền lợi của các bên liên quan tại khu đất 43ha sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Đối với khu đất 145ha, đại diện VKS đưa ra quan điểm cho rằng, tài liệu điều tra đã xác định việc ký các hợp đồng liên doanh, hợp đồng góp vốn thành lập Công ty Tân Thành với 2 đối tác Hàn Quốc năm 2007, đến năm 2011 thay đổi bằng Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển, sau đó góp vốn bằng quyền sử dụng đất khu đất 145ha vào Công ty Tân Thành và khi cổ phần hóa không tính vào giá trị doanh nghiệp là trái các quy định của pháp luật.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại khu đất 145ha cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương.

Chiều nay, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty TNHH Đầu tư, Xây dựng Tân Phú và Công ty Cổ phần đầu tư & phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) nhiều lần nhấn mạnh, hai công ty này không phải là bên phạm tội, mà là bên thứ ba ngay tình nên cần được đảm bảo quyền lợi.

Luật sư cho rằng, Công ty Kim Oanh có toàn quyền sử dụng và quyết định đầu tư trên diện tích đất 43 ha. Ngoài ra, việc mua bán, chuyển nhượng, đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Tân Phú đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương thẩm định rồi thực hiện. Do vậy, khu đất này không thuộc trường hợp bị thu hồi theo Luật Đất đai 2013.

Theo quan điểm của luật sư, đề nghị của đại diện VKS về việc trả lại 43ha đất về cho tỉnh Bình Dương là chưa khách quan. Luật sư đề nghị tòa tuyên theo hướng cho Công ty Kim Oanh được nộp khoản tiền chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án trên khu đất 43ha này. Và đề nghị này đã được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận.

Theo phân tích của luật sư, việc giao cho Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú được tiếp tục thực hiện dự án vừa giúp khắc phục được toàn bộ thiệt hại liên quan đến khu đất 43ha, vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba ngay tình.

“Doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều tiền của, công sức vào dự án. Việc giải quyết sai phạm tại 43ha trong thời gian quá dài dẫn đến rất nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và mất đi cơ hội đầu tư, quay vòng nguồn vốn của doanh nghiệp”, luật sư trình bày.

Khó khăn nếu phải bồi thường thiệt hại

Tại tòa, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đưa ra ý kiến cho rằng, việc xác nhận nghĩa vụ bồi thường như yêu cầu của đại diện VKS là chưa chính xác, chưa khấu trừ đi các chi phí mà Tổng Công ty đã chi trả.

Theo đại diện của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, đại diện VKS đề nghị thu hồi 2 khu đất trả về cho tỉnh Bình Dương, như vậy các bị cáo không phải chịu bồi thường, do đất đã được trả về cho chủ sở hữu và thiệt hại cho Nhà nước đã không còn nữa.

“Nếu thu hồi cả hai lô đất thì thất thoát tài sản Nhà nước theo cáo trạng quy buộc đã không còn tồn tại”, người đại diện Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương trình bày.

Vẫn theo quan điểm của đại diện Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, nếu HĐXX quyết định thu hồi 2 khu đất nhưng vẫn yêu cầu nộp tiền nghĩa vụ liên quan đến khu đất thì gây khó khăn cho Tổng công ty.

Hiện Tổng Công ty có tới hơn 1.000 cổ đông, gần 40% là cổ đông bên ngoài. Trường hợp phải bồi thường thiệt hại, Tổng Công ty sẽ phải đóng khoản tiền lớn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, vốn hóa của Tổng Công ty, trong đó có 60% vốn Nhà nước.

Người đại diện Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đề nghị, nếu đơn vị nào được giao lại khu đất thì sẽ phải chịu các nghĩa vụ tài chính liên quan.