Trình bày quan điểm luận tội, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Nguyễn Đại Dương dù không thừa nhận tội, nhưng căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, lời khai của những người liên quan, tài liệu xác minh dòng tiền luân chuyển..., đủ cơ sở khẳng định bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Dương mức án 6-7 năm tù vì tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Đinh Anh Tuấn đưa ra quan điểm cho rằng, việc quy kết ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) cấu kết với con rể Nguyễn Đại Dương ký hợp đồng liên doanh với động cơ vụ lợi là thiếu căn cứ và hàm oan cho các bị cáo.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đang phải vay vốn để trả tiền đền bù GPMB, qua việc liên doanh với Công ty Âu Lạc, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chưa cần bỏ tiền vốn, bỏ công sức để thực hiện dự án 43ha nhưng đã có thể thu về đủ số tiền đã đầu tư và có lãi lớn.
Luật sư cho rằng, việc Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương tại Công văn số 407-CV/TU ngày 29/7/2016 là chưa phù hợp với chủ trương ban đầu, buộc các doanh nghiệp phải đi đường vòng.
Theo Công văn 407, khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú sẽ được chuyển về cho Công ty Impco quản lý.
Nếu làm đúng thế, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương sẽ phải chuyển giao khu đất 43ha cho Công ty Impco, sau đó Impco lại phải chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú.
CQĐT và Cơ quan công tố cho rằng, làm như vậy là trái với Công văn 407. Tuy nhiên, tại phiên toà, chính bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương) cho rằng, việc chuyển các khu đất về cho Công ty Impco quản lý không đồng nghĩa với việc các khu đất này không được phép chuyển nhượng.
Trên thực tế, sau khi tiếp quản, Công ty Impco vẫn tiếp tục chuyển nhượng một số khu đất để thực hiện các dự án khác.
Theo quan điểm bào chữa của luật sư, ở phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, trong cuộc họp HĐTV Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương để thống nhất chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, các thành viên của HĐTV đã “nể nang” nên quyết theo ý chí của ông Nguyễn Văn Minh, mà ý chí của ông Minh là do có bị cáo Nguyễn Đại Dương đồng mưu góp sức.
“Tôi cho rằng nhận định như vậy là thiếu căn cứ, nặng về suy đoán theo hướng có tội”, lời bào chữa của luật sư Đinh Anh Tuấn.
Cho rằng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Đại Dương có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, luật sư Đinh Anh Tuấn đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Dương không phạm tội, trả tự do và khôi phục các quyền công dân cho bị cáo.
Tranh cãi về người đứng tên góp vốn
Đồng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Lưu Văn Tám dành thời gian để chứng minh bị cáo Dương không hề góp vốn vào Công ty Âu Lạc như cáo buộc.
Theo luật sư, ông Dương Đình Tâm đứng tên cổ phần ở Âu Lạc thay cho người tên Quân chứ không phải đứng tên cổ phần thay bị cáo Nguyễn Đại Dương như cáo buộc và lời khai của ông Tâm tại tòa.
Bởi, trong toàn bộ các sao kê tiền rót vào Âu Lạc, không có khoản tiền nào của ông Dương, chỉ có bằng chứng chuyển tiền của ông Quân.
Vẫn theo quan điểm bào chữa của luật sư, năm 2016, ông Huỳnh Trung Nam (một trong những người góp vốn ở Âu Lạc) có lời khai, ông Quân là người tham gia góp vốn. Và vào thời điểm năm 2011, khi ông Tâm còn đang ở trong tù, ông từng khai đứng tên góp vốn thay ông Quân.
“Mấu chốt ở đây, ai là người góp vốn, chúng ta phải đánh giá chứng cứ trên cơ sở tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Lời khai của ông Tâm tại tòa không đảm bảo tính khách quan, không phù hợp với chứng cứ, các lời khai khác và không phù hợp với chính lời khai của ông Tâm trước đó”, luật sư Lưu Văn Tám trình bày phần bào chữa.
Kết thúc phần bào chữa, luật sư Lưu Văn Tám đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ thâu tóm "đất vàng" tại Bình Dương vì cho rằng, cần có nhiều thời gian để đánh giá lại chứng cứ của vụ án, để đảm bảo không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự.