Thời nào cũng vậy, nhân dân và tầng lớp trí thức luôn là những người khai phá ra những hạt vàng. Còn có nhặt được những hạt vàng hay không phụ thuộc vào trí tuệ của những người có trách nhiệm.

Nếu luôn phải tuân theo lời "sếp"

LTS:  Tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt trong xã hội đòi hỏi sự khoan dung và rộng ở. Sau khi  Mục Thông tin đa chiều/Tuần Việt Nam đăng tải bài viết về chia sẻ sự khác biệt, chúng tôi đã nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Tấn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôn trọng sự khác biệt đã tồn tại từ khi có loài người. Nó chính là động lực của sự phát triển, và đồng nghĩa với những nấc thang của dân chủ.

Chữ “đồng” trong sự khác biệt

Bác Hồ khi nói về sự khác biệt có nhận xét thế này:

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng những có điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

Bác thường tìm chữ “đồng” trong muôn vàn sự khác biệt, đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng ta nói nhiều đến tôn trọng sự khác biệt, ý kiến khác biệt nhưng cũng có một thực tế, điều đó dễ nói mà.. khó làm.

{keywords}

Lịch sử tư tưởng nhân loại không có gì khác chính là sự cùng tồn tại của những tư tưởng khác biệt, là cuộc đấu tranh của các trường phái tư tưởng để từ đó cùng phát triển. Khi so sánh sự phát triển tư tưởng phương Đông và phương Tây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phương Tây sở dĩ  triết học phát triển là bởi đề cao sự khác biệt còn phương Đông không phát triển bởi vẫn có sự triệt tiêu cái khác biệt.

Một lý thuyết ra đời phải có sự tranh luận cọ xát. Một sự phản biện bắt đầu từ lý luận sau đó sàng lọc bằng thực tiễn. Cũng không phải cứ nhiều ý kiến đồng tình đã là khoa học và ngược lại. Câu chuyện nhà bác học Anhxtanh đưa ra  thuyết Tương đối là một ví dụ.

Nhiều tiên đoán và hệ quả của thuyết Tương đối khác biệt hẳn so với kết quả của vật lý cổ điển, đặc biệt khi đề cập đến sự trôi đi của thời gian, hình học của không gian, chuyển động của vật thể khi rơi tự do và sự lan truyền của ánh sáng. Những sự khác biệt như vậy khi đưa ra (1916) ai cũng ngơ ngác không hiểu và không ủng hộ, nhưng điều đó không có nghĩa là sai.  Và cứ nhìn vào lịch sử nhân loại, quốc gia nào sự khác biệt được đề cao, tôn trọng, quốc gia đó có nhiều nhà khoa học, nhiều bộ óc sáng tạo.

Ở phương Đông truyền thống tuy có đề cao lý tính nhưng còn một thứ “lý tính khác” cao hơn đó là ý chí của vua, người được coi là Thiên tử. Ý vua là ý trời, là tuyệt đối đúng và không ai được làm trái. Làm trái, nói trái là khi quân, bị khép vào tội chết. Mỗi lời nói của vua được coi như “khuôn vàng thước ngọc” quần thần phải răm rắp thực hiện. Bi kịch của phương Đông nói chung là vậy.

Tránh độc quyền chân lý

Từ định hướng tới giải pháp, còn rất cần sự vận động, điều chỉnh, thậm chí thay đổi. Những ý kiến phát hiện, mang tính khác biệt khi đó cũng rất cần được lắng nghe. Mặc dù khởi đầu, nó thường… trầy trật. Như trường hợp ông Kim Ngọc chẳng hạn.

Nói điều đó để thấy, về quy luật phát triển, không sự vật nào lại đứng yên một chỗ không vận động. Nên những ý kiến, đóng góp giúp cho nhận thức đúng luôn có vai trò to lớn. Ta nói tôn trọng sự khác biệt, ý kiến khác biệt chính là ở góc cạnh này. Và thời nào cũng vậy, nhân dân và tầng lớp trí thức luôn là những người khai phá ra những hạt vàng. Còn có nhặt được những hạt vàng hay không phụ thuộc vào trí tuệ của những người có trách nhiệm.

Ở ta Bác Hồ luôn tôn trọng sự khác biệt. Bác lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, những nhân sỹ của chế độ cũ, dám sử dụng những người ngoài đảng phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp kiến quốc…

Nghị quyết của Đảng cũng luôn nhấn mạnh tôn trọng ý kiến khác biệt “Đối với những vấn đề mới đặt ra, những vấn đề phức tạp còn có những ý kiến khác nhau, phải cùng nhau nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, lắng nghe ý kiến của quần chúng, của các chuyên gia và cán bộ khoa học, phát huy tự do tư tưởng, tranh luận thẳng thắn, dân chủ.” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, tr.267.) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 48, tr 555 cũng ghi rõ: Hết sức tránh tình trạng một mình độc quyền chân lý, còn mọi người thì chỉ có quyền chấp hành thụ động, không dám tranh luận. Chúng ta phải tạo ra thói quen biết thảo luận và tranh luận.

Trong thực tiễn để tôn trọng ý kiến khác biệt phải gắn với sinh hoạt dân chủ. Không có dân chủ thì không thể tôn trọng ý kiến khác biệt, không có dân chủ thì nói như Bác Hồ, dân không dám mở miệng. “Dân chủ là phải để cho dân được mở miệng”.

Chúng ta đang thực hiện nghị quyết 4 (khóa XI), đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng để chống suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống. Tuy nhiên không phải là triệt tiêu sự nói khác làm khác. Ở đây sự nói khác làm khác, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích của quần chúng nhân dân mới là sự suy thoái. Những ý kiến tâm huyết xây dựng sẽ luôn được quần chúng nhân dân ủng hộ.

Vừa qua Dự thảo qui chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội, trong nghiên cứu lý luận chính trị đã đề xuất trong đó có cơ chế để các nhà khoa học có nơi trình bày, phản biện những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là ý kiến đã được thảo luận và nhiều người ủng hộ, tiếc rằng việc triển khai còn chậm.  

Tôn trọng ý kiến khác biệt không chỉ dừng lại ở nghị quyết hay những câu khẩu hiệu mà phải bằng hành động cụ thể; phải có những cơ chế chính sách để các nhà khoa học phản biện. Mọi người sẽ được tự do đóng góp đề ra những lý thuyết vì lợi ích của dân tộc, đó mới chính là chỉ dấu của sự phát triển, là động lực của sự phát triển.

  • Nguyễn Đăng Tấn