Có thể đã không có án oan Thanh Chấn và nhiều "con gấu bị bắt nhận là thỏ" nếu hành trình tiếp cận công lý của người dân có sự đồng hành và trợ giúp hiệu quả.

Kỳ 1: Vụ Cát Tường, dùng nhục hình và chặng đường gian nan

Tiếp cận công lý có thể coi là một cuộc hành trình của người dân. Hành trình đó có thể thuận lợi hoặc gian nan tùy thuộc vào những trở ngại mà người dân gặp phải ít hay nhiều. Những trở ngại này có thể nằm trong quy trình tố tụng, trong tổ chức, vận hành của bộ máy các cơ quan tư pháp, trong thái độ và ý thức trách nhiệm của nhân viên công quyền và trong cả ý thức pháp luật của người dân.

Nhận diện và dỡ bỏ những trở ngại này, làm thông thoáng hành trình đi tìm công lý của người dân là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn đảm bảo quyền tiếp cận công lý với tư cách là quyền con người trong nhà nước pháp quyền.

{keywords}

Vụ án oan Thanh Chấn gây rúng động dư luận. Ảnh: Nguyễn Quyết/ NLĐ

Rào cản từ quy định con và thủ tục con

Thế nhưng câu chuyện tiếp cận công lý có lẽ nằm ở luật để thực thi (luật thủ tục) và những con người đang vận hành cái thủ tục đó. Thủ tục tố tụng giống như đường ray pháp luật vạch sẵn, trên cái đường ray đó hệ thống tòa án và các cơ quan tư pháp vận hành chuyên chở công lý đến xã hội.

Nói về luật thủ tục, Mác đã đề cập trong tác phẩm Luật về hái trộm củi, đại ý rằng nếu thủ tục không tốt thì quy định pháp luật sẽ chỉ là những quy phạm chết cứng.

Rà soát hệ thống pháp luật tố tụng vẫn tìm thấy những quy định "lắt nhắt" nhưng lại gây trở ngại cho quyền tiếp cận công lý. Ví dụ trong Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định người dân khi khởi kiện thì kèm theo đơn khởi kiện phải có giấy tờ chứng minh yêu cầu khởi kiện. Quy định này khiến cho thẩm phán có thể áp dụng tùy tiện làm khó dễ cho người dân bởi giấy tờ chứng minh quyền khởi kiện không phải bao giờ cũng có thể nộp ngay cho tòa án và không biết thế nào là đủ. Chính vì vậy, có người cho rằng đang có tồn tại chế độ "thủ tục trị"thay cho pháp trị.

Các luật sư cũng hay than phiền về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư và coi đây là thứ "giấy phép con" của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để có giấy phép luật sư phải có 5 loại giấy tờ, trong khi luật quy định chỉ cần có 3 (đơn yêu cầu được bào chữa, thẻ Luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư). Chưa kể trong thực tế có những vụ bị can, bị cáo từ chối luật sư "một cách khó hiểu".

Quyền tiếp cận công lý trong vụ án hình sự bị cản trở bởi thủ tục hành chính này khi muốn bào chữa cho thân chủ, luật sư phải có tới 3 giấy phép của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, và tòa án.

Thiếu người đồng hành và trợ giúp pháp lý

Không ai có thể biết được hết các quy định pháp luật cũng như các thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, trong quá trình tiếp cận công lý, người dân nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Tình trạng thiếu hụt các dịch vụ pháp lý ở nước ta vẫn còn trầm trọng.

Theo Báo cáo về chỉ số Công lý, có tới 42,4% số người được phỏng vấn "chưa bao giờ nghe đến" hoặc "không biết gì" về Hiến pháp. Trong số những người có biết Hiến pháp, 23% không biết gì về quá trình sửa đổi Hiến pháp đang diễn ra. Có tới 20% tất cả các khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan của Nhà nước; khoảng 50% các tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý và các cơ quan nhà nước thường cần nhiều thời gian hơn luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính.

Thời gian trung bình để xử lý một khiếu kiện hành chính kéo dài từ 17 đến 27 tháng, tùy thuộc vào khiếu kiện đó là của các cá nhân hay hộ gia đình. Đây là khoảng thời hạn xử lý quá dài so với luật định và như vậy, chính các cơ quan nhà nước đang vi phạm quy định pháp luật.

Hiện nay, cả nước có khoảng 6.000 luật sư trên 90 triệu dân. Chỉ có 10% vụ án có luật sư tham gia và chỉ tập trung ở những vùng kinh tế - xã hội phát triển. Phát triển đội ngũ luật sư, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, chú trọng đến sự thiếu hụt pháp lý của những người yếu thế là biện pháp người dân tiếp cận công lý.

Sự đồng hành không chỉ đến từ đội ngũ luật sư mà còn đến từ những nhân viên công quyền mẫn cán, những nhà báo có lương tâm, trách nhiệm, và đến từ cả xã hội

Có thể đã không có vụ án oan của ông Chấn và nhiều "con gấu bị bắt nhận là thỏ" như một câu chuyện tiếu lâm nước ngoài đã nói, sẽ không có đất cho nhân viên công quyền vi phạm pháp luật, nếu hành trình tiếp cận công lý của người dân có sự đồng hành và trợ giúp hiệu quả.

Phẩm chất của nhân viên tư pháp

Ở đây bao gồm trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Một thẩm phán trình độ năng lực yếu thì dễ "biến một điều luật tốt thành một điều luật chẳng ra gì" (Xixeron) và đương nhiên người dân sẽ không thể tìm thấy công lý trong những phán quyết của họ.

Bên cạnh đó, sự vô trách nhiệm, tệ hại hơn là tham nhũng, cửa quyền của đội ngũ nhân viên tư pháp cũng là rào cản rất lớn đối với quá trình tiếp cận công lý của người dân. Các nhân viên tư pháp kém cỏi về chuyên môn và đạo đức dù chỉ là những con sâu, nhiều khi lại là những "lục lâm thảo khấu" rình rập trên con đường tiếp cận công lý vốn đã gian nan.

Để quyền tiếp cận công lý dược đảm bảo và thực hiện, bên cạnh vấn đề xây dựng nhận thức chung của xã hội với công lý, nhất thiết cần phải khai thông lộ trình đi tìm công lý của người dân bằng việc tháo gỡ những trở ngại trên./.

  • Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Xem bài cùng tác giả:

Khi quyền bào chữa chỉ là "hư quyền"

Nói nguyên tắc “suy đoán vô tội” xa lạ với tố tụng hình sự Việt Nam là không hẳn đúng cho dù có lúc, có nơi nó hoàn toàn vắng bóng thậm chí bị ghẻ lạnh, bị nhiều người hiểu ngược lại: Một người chỉ được coi là vô tội khi có bản án tuyên họ vô tội.

Bầu trực tiếp chủ tịch xã, quan và dân đều lợi

Dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ tăng thêm quyền lực cho ông ta. Bởi lẽ nó làm tăng tính chính danh cho chủ tịch và hệ quả logic là tăng thêm quyền lực và hiệu quả quản lý, điều hành.

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho Fanpage của Tuần Việt Nam