Suốt 20 năm qua, các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương liên tục phá kỷ lục giá, thanh khoản cao và thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Cũng giống như cơn sóng tương tự từng diễn ra ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) trong thập niên 2000 và ở Indonesia, Philippines những năm 2010, các nhà sưu tập Việt đóng một vai trò rất lớn trong công cuộc hồi hương (repatriation) những bức tranh quý từng lưu lạc năm châu do biến động lịch sử - chính trị.

Theo thống kê của tác giả, tính cho đến thời điểm hiện tại, đã có 20 bức tranh được giao dịch ở mức triệu đô la Mỹ trên thị trường đấu giá, trong đó nhà Sotheby’s dẫn đầu với 9 tác phẩm, bao gồm cả 2 tác phẩm được gõ búa trong năm 2023 vừa qua.

anh bai trang trieu do hoi huong.jpg
'Em bé ôm gà' (c.1960s-70s), Lê Phổ - một tác phẩm được hồi hương từ Mỹ, thuộc bộ sưu tập 'Rue d’ Annam'.

Sức mua tăng trưởng mạnh mẽ

Nhìn lại chặng đường vừa qua, tỷ lệ nhà sưu tập Việt mua tranh Đông Dương tăng đáng kể. Dù trước đó một thời gian ngắn, những năm 2000, nhà sưu tập Việt chỉ chiếm vị trí thiểu số. Người mua lúc bấy giờ chủ yếu là những nhà môi giới phương Tây, hoặc nhà sưu tập trong khu vực.

Các nhà sưu tập ở Đông Nam Á rất thích chủ đề Đông Dương vì họ cũng từng song song chia sẻ một lịch sử với nước ta. Còn các nhà sưu tập ở khối đồng văn (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore) thì rất thích mỹ cảm của tranh Đông Dương, vốn là một sự kết hợp giữa cả tây phương họa và đông phương họa. Nhiều kinh viện nhìn xa trông rộng đã tìm mua từ sớm, như Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore hay Bảo tàng Pasifika ở Bali, Indonesia.

Còn hiện tại, nhà sưu tập Việt đã trở nên áp đảo kể từ 7 - 8 năm đổ lại đây. Kinh tế đất nước tăng trưởng, góp phần đẩy mạnh sức mua, rõ rệt nhất là ở thị trường xa xỉ phẩm. Sự chú ý của truyền thông và đại chúng mỗi lần tranh Đông Dương phá kỷ lục giá đã góp phần đẩy mạnh nhận thức và củng cố kiến thức cho nhà sưu tập tự tin mở hầu bao.

Các tác phẩm tranh Đông Dương đã trở thành một danh mục đầu tư “blue chips”, với giá tăng trung bình từ 10 - 20% trong 20 năm qua. Với nhiều khách hàng ở đỉnh kim tự tháp thu nhập, việc phân bổ 5 - 15% danh mục tài sản vào loại tranh “blue chips” này đã dần trở thành một chiến lược phổ biến. Số lượng bộ sưu tập tranh Đông Dương nội địa với tổng định giá trên 10 triệu đô đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Hệ sinh thái hỗ trợ phát triển

Thanh khoản dồn về phân khúc Đông Dương, tạo điều kiện cho một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ trong nước. Các giám tuyển và sử gia nghệ thuật đang có một tiếng nói vững chắc, từng bước xây dựng nền nghiên cứu lai lịch tranh dựa trên nhiều tư liệu trong và ngoài nước, với rất nhiều thông tin nay đã được dịch ra tiếng Việt, mở rộng sự tiếp cận cho công chúng trong nước. Năm 2020, cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Charles - Édouard Hocquard, bác sĩ quân đoàn viễn chinh Pháp những năm 1884-1886, đã được cùng lúc ra mắt bởi ba nhà xuất bản.

Chuỗi triển lãm tiên phong Hồn Xưa Bến LạMộng Viễn Đông của nhà đấu giá Sotheby’s lần đầu tiên sử dụng giám tuyển người Việt năm 2022 và 2023, gây tiếng vang mạnh mẽ với hàng ngàn lượt khán giả mỗi ngày. Năm 2023 cũng là năm chứng kiến những dự án mỹ thuật Đông Dương được khối tư nhân đầu tư bài bản như Bảo tàng Quang San - bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên được cấp giấy phép tại TP.HCM, hay triển lãm Đông Dương đầu tiên tại Đà Nẵng mang tên Trong Ngọc Trắng Ngà của Phù Sa Art Foundation.

Cùng với sự đầu tư bài bản từ những nhà đầu tư, các dịch vụ đi kèm cũng nở rộ. Chuyên gia Hiền Nguyễn là người Việt duy nhất được đào tạo bài bản về phục chế tại châu Âu đã hồi hương để thực hành, phục vụ cho khách hàng nội địa. Chỉ trong 2 năm từ khi thành lập, xưởng phục chế Comptoir du Temps của chị đã chẩn đoán và khôi phục hàng trăm tác phẩm tranh và tượng Đông Dương bị xuống cấp qua thời gian hoặc do bảo quản chưa đúng cách.

Các công ty bảo hiểm nội địa như Bảo Minh hay Petrolimex cũng đã và đang chính thức nhìn nhận tác phẩm nghệ thuật như một loại tài sản, và cung cấp gói bảo hiểm cho tranh, tượng với giá trị cao. Nhu cầu đóng gói, vận chuyển tranh một cách bài bản, chuyên nghiệp cũng động viên cho sự ra đời của các dịch vụ art handling chuyên sâu được vận hành bởi người Việt như Annam Production, thay vì phải viện đến dịch vụ giá cao của các công ty trong khu vực. Các dịch vụ vệ tinh khác như thiết kế và thi công triển lãm, làm khung, đánh sáng... cũng được củng cố để bắt kịp quy chuẩn của bảo tàng quốc tế.

Một tâm thế sưu tập mới

Những hỗ trợ tích cực về cả sức mua lẫn dịch vụ vệ tinh đã góp phần tạo nên những biến chuyển lớn trong thái độ và hành vi ở khối sưu tập. Theo quan sát của người viết, cộng đồng nhà sưu tập ở Việt Nam đang có những thay đổi lạc quan về tầm nhìn và ý thức, phù hợp với phong trào “sưu tập có trách nhiệm (responsible collecting)” đang diễn ra sâu rộng ở khu vực và quốc tế.

anh bai tranh trieu do hoi huong 2.jpg

'Vịnh Hạ Long', Jean-Louis Paguenaud - Bức tranh Đông Dương lớn nhất từng được đấu giá, trưng bày tại triển lãm 'Mộng Viễn Đông' (2023)

Thay vì chỉ trưng bày những tác phẩm tại gia hoặc cất chúng trong nhà kho, giờ đây nhiều nhà sưu tập đã sẵn lòng chia sẻ những gì họ có với công chúng thông qua việc đầu tư tham gia triển lãm, xuất bản sách, hay thậm chí là mở bảo tàng. Điều này là rất quan trọng, vì nó vừa cải thiện sự tiếp cận của công chúng đến các tác phẩm quý mà hệ thống bảo tàng công không có hoặc không đủ ngân sách để thu mua, vừa giúp tăng độ uy tín - kèm theo đó là giá trị tài chính - cho bộ sưu tập. Ví dụ, với hai triển lãm “Hồn Xưa Bến Lạ” và “Mộng Viễn Đông”, người viết từng mượn tác phẩm của 10 nhà sưu tập khác nhau cho mỗi triển lãm, và hầu hết các tác phẩm đều chưa từng được trưng bày công khai trong nước.

Khi công chúng và thế hệ trẻ được tiếp cận dễ dàng hơn tới nghệ thuật, cộng đồng sẽ tự sản sinh ra những nhà sưu tập mới. Một thị trường nghệ thuật bền vững phải là một thị trường có thanh khoản dồi dào từ cộng đồng nội địa, và người viết tin rằng, chúng ta đã đạt được mục tiêu này ở phân khúc Đông Dương.

Giám tuyển Ace Lê