Nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, triển khai các mô hình ở cấp huyện, xã 

PAPI là chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên các tiêu chí: trải nghiệm trực tiếp của người dân khi tương tác với các cấp của chính quyền địa phương; cảm nhận của người dân thông qua thông tin được tiếp nhận từ báo chí, dư luận, người thân… về nhiều vấn đề chính sách của địa phương.

Theo các báo cáo trình bày cho thấy, năm 2022, Chỉ số PAPI của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 41,99/80 điểm, xếp vào nhóm 3 tăng 1,38 điểm và xếp hạng 34/63 tỉnh/ thành, tăng 13 bậc so với năm 2021.

Chỉ số PCI năm 2022 tỉnh đạt 70,26 điểm xếp hạng 4/63 tỉnh, thành và xếp thứ nhất trong khu vực Đông Nam Bộ, tăng 5 bậc so với năm 2021.

Kết quả chỉ số PAR INDEX năm 2022 của tỉnh đạt 87,47 điểm, xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2021, dẫn đầu trong nhóm các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Chỉ số SIPAS xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021.

Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở để UBND tỉnh điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách trên địa bàn, nâng cao tinh thần phục vụ người dân.

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, triển khai các mô hình ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”. Trong đó mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra những thủ tục hành chính đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật, nhờ đó giúp người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần làm thủ tục.

Đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện những kết quả đạt được trong CCHC thời gian qua

hoinghi.png

Tại Hội nghị trao đổi thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, đây là dịp để chính quyền tỉnh đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính thời gian qua; đồng thời nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân yếu kém để từ đó bàn bạc, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, hướng đến sự hài lòng của người dân.

Để cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thọ đã đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách hành chính, thực hiện các giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số…

Song song đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nội vụ theo dõi đôn đốc các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra; đồng thời tăng cường kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong thực thi công vụ, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân không nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung, nhiệm vụ được giao.

Phú Mỹ