Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 sẽ được trao cho 1 tập thể gồm 16 nhà khoa học do PGS. Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Y là đại diện và 1 cá nhân là PGS. TS Nguyễn Thị Kim Lan, Trường Đại học Thái Nguyên do có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng.

{keywords}
PGS Nguyễn Thị Bình, đại diện tập thể đoạt giải Kovalevskaia 2014. Ảnh: L.V

Tập thể được trao giải là một nhóm 16 nhà khoa học đến từ Bộ môn Mô-phôi, Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương với các công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào trong điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu do PGS Nguyễn Thị Bình là đại diện.

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu của PGS Bình là nhằm nghiên cứu phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau: Bệnh nhân bị tổn thương một mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên lành còn nếu bị tổn thương cả 2 mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Sau khi nuôi cấy thành công tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân.

Đây là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu còn ở Việt Nam đây là phương pháp hoàn toàn mới, chưa có đơn vị nào nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp cũ đang được sử dụng tại Việt Nam như ghép màng ối, ghép củng giác mạc tự thân và ghép củng giác dị thân đều gặp phải nhiều hạn chế.

Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004, đến 1/3/2008, đề tài nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đã cấy ghép thành công cho bệnh nhân đầu tiên theo phương pháp mới. Đến nay, thông qua 3 đề tài nghiên cứu (1 đề tài cấp bộ, 1 đề tài nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước và một đề tài độc lập cấp nhà nước) nhóm của PGS Bình đã thực hiện nuôi tạo và cấy ghép thành công cho 15 ca tổn thương bề mặt nhãn cầu với tỉ lệ thành công từ 65-80%, mức tương đương các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

{keywords}
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Lan, cá nhân được trao tặng giải Kovalevskaia 2014. Ảnh: Hlhpn.

Giải thưởng cá nhân được trao tặng cho PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, hiện tham gia đào tạo và nghiên cứu tại Khoa chăn nuôi thú ý, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.

PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Lan được đnáh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành Chăn nuôi thú y, chuyên gia về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở miền núi phía Bắc. Bà cũng là tác giả của rất nhiều đề tài nghiên cứu thuộc cấp bộ, cấp nhà nước cùng rất nhiều các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong cả nước.

Lễ trao giải Kovalevskaia năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 7/3 trong lễ kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) tại Hà Nội.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà khoa học nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskaia. Giải thưởng ra đời nhằm mục đích biểu dương, động viên, khuyến kích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở các nước đang phát triển, dưới hình thức trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Từ năm 1985 tới nay, Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã trao giải cho 42 cá nhân và 17 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng.

P.V