Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam được Sở NN & PTNT tỉnh giao triển khai dự án Chăn nuôi ngan địa phương sinh sản miền núi từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Dự án được triển khai tại thôn ATu2, xã Ch’ơm huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, với quy mô 200 con ngan địa phương sinh sản. Trung tâm đã phối hợp với địa phương khảo sát chọn 10 hộ tham gia dự án. Đây là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước khi cấp phát con giống, vật tư, các hộ tham gia dự án được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật để các hộ nắm bắt được quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh cho ngan.

Giữa tháng 9, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành giao nhận con giống ngan và một số vật tư thiết yếu như thức ăn tinh, vắc xin phòng bệnh và hoá chất để tiêu độc khử trùng. Con giống ngan khi bàn giao cho các hộ dân đã ở 21 ngày tuổi, khoẻ mạnh, có độ đồng đều cao, được tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định.

Dự án được triển khai nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi ngan địa phương sinh sản cho đồng bào, người nghèo, tạo nguồn con giống phục vụ chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ. Đây cũng là cơ hội để các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có sinh kế lâu dài, từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

W-giam ngheo.jpg
Trao sinh kế để giảm nghèo đa chiều, bền vững cho bà con vùng núi

Nằm trong khuôn khổ dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai thực hiện các dự án ở các xã vùng núi 2 huyện Nam Trà My và Tây Giang.

Các dự án gồm Trồng cây đẳng sâm xen ngô nếp phát triển kinh tế miền núi tại xã Ch’ơm, huyện Tây Giang; Trồng cây dược liệu đương quy phát triển kinh tế miền núi ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My; Chăn nuôi ngan địa phương sinh sản miền núi ở xã Ch’ơm, huyện Tây Giang và Nuôi cá diêu hồng, rô phi chính kết hợp các loài cá khác tại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My. Tổng giá trị các dự án hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, các dự án được triển khai nhằm khai thác có hiệu quả hơn về tiềm năng đất đai, lao động và điều kiện sinh thái của khu vực.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam, mô hình nông nghiệp hiện đại, trồng dược liệu dưới tán rừng góp phần cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, các dự án nhằm phát triển các cây dược liệu (đương quy, đẳng sâm) thành vùng nguyên liệu tập trung tạo sản phẩm có giá trị kinh tế, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe; ngoài ra còn khai thác tiềm năng diện tích mặt nước ao, hồ ở vùng miền núi, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để phát triển nuôi cá nước ngọt.  

Ngoài việc được hỗ trợ cây, con giống và phân bón, hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả, trong quá trình triển khai dự án, các hộ gia đình còn được Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từng công đoạn trong quy trình nuôi, trồng chăm sóc, phòng, chống, xử lý dịch bệnh, phối trộn thức ăn chăn nuôi...

Các dự án nói trên được triển khai tại các xã nghèo miền núi là cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng vùng sâu, vùng xa tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội cho bà con vùng núi, làm quen với phát triển kinh tế hộ gia đình trên diện tích đất mình có, không để đất trống đồi núi trọc.

Mặt khác, sinh kế này giải quyết được lực lượng lao động nông nhàn, tạo việc làm mới, giảm áp lực khai thác bất hợp pháp vào rừng tự nhiên, gây nguy hại môi trường; Từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ không chuồng trại, thả rông sang chăn nuôi có quy mô, có chuồng trại an toàn dịch bệnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, giảm nghèo cho đồng bào vùng khó khăn.