Tôi gặp rất nhiều ba mẹ vạch quần cho con tè đường, ngay trước của tiệm nhà người ta, ngay cổng chợ đông đúc người đi ra đi vào… Tôi rất choáng! Còn bạn thì sao?

Khi người bạn gửi cho tôi tấm hình bà mẹ vạch quần cho con tè ngay ở giữa công viên! Tôi khá choáng!

Ngoài đời tôi gặp rất nhiều ba mẹ cũng vạch quần cho con tè đường, ngay trước của tiệm nhà người ta, ngay cổng chợ đông đúc người đi ra đi vào… Có lần bạn tôi ngồi trong tiệm ăn, còn vạch quần cho con tè ngay vào cái ly, lý do vì toilet của quán này bẩn lắm.

“Trẻ con ấy mà!” Trẻ con nên được quyền vạch chỗ kín ra ngay nơi công cộng sao?

{keywords}
Bức ảnh được đăng tải trên một diễn đàn trên mạng. Trong ảnh một người mẹ đang cho con tè ngay chỗ vui chơi công cộng.

Ba mẹ còn hồn nhiên vạch chỗ kín cuả con ra như thế thì liệu khi vắng ba mẹ, con sẽ tự bảo vệ mình thế nào? Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vừa đưa ra những thống kê choáng váng về việc lạm dụng tình dục ở trẻ em. Cứ 4 bé gái lại có 1 bé bị xâm hại tình dục. Và 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại. Độ tuổi trung bình của các em khi bị xâm hại tình dục là 9 tuổi và có tới 93% các em bé quen biết kẻ xâm hại mình.

Những ngôn từ, những lời nói của ba mẹ thầy cô không bao giờ hiệu quả bằng những hành động cụ thể. Trẻ con nó học từ chính những việc làm của chúng ta.

Có lẽ, trong việc nuôi con phải chấp nhận đừng ngại khó, đừng ngại vất vả, đừng có chặc lưỡi tiện thể. Nhớ hồi tôi mới mua nhà ở chung cư, khi sửa nhà, dù rất cố gắng che chắn, nhưng bụi vẫn bay sang nhà bên cạnh. Sau khi sửa nhà xong, tôi đề nghị 2 con gái mình, 7 tuổi và 9 tuổi, cùng mẹ mang giẻ lau sang lau cửa sổ nhà hàng xóm. Một bác lao công đi qua hỏi: “Lau làm gì? Không cần thiết đâu!”. Tôi nghĩ, có thể nhà hàng xóm không cần, nhưng con tôi cần. Việc này tốt cho chính con gái tôi, tại sao lại không làm?

Đi chơi, khi uống sữa ăn bánh xong, có hôm nhóc con nhà tôi phải cầm rác trong tay tới mức cái hộp sữa ướt mồ hôi tay. Nhưng mệt một chút, nhưng tốt hơn về lâu dài.

Bởi vì, trước sau gì cũng không thể kéo lùi lịch sử lại về thời kỳ đồ đá, dù có hay không chúng ta vẫn phải đi lên cùng thế giới. Nước ta sẽ ngày văn minh hơn, thậm chí con chúng ta có thể ra nước ngoài du học và sống, những thói quen à uôm, tiện thể, học thì nhanh mà xóa thì rất lâu, sẽ là rào cản cho con sau này.

Như ba mẹ tôi, vốn quen ở nhà nền đất và xung quanh nhà toàn là vườn cây, nên thường tiện tay uống xong ly nước là hắt chút nước thừa xuống nền nhà, hắt qua cửa sổ. Giờ vào thành phố, mấy lần vũng nước của ông làm cháu trượt té, rồi có lần bị nhà bên kia cửa sổ càu nhàu. Nhớ mấy người bạn tôi, quen vứt rác, vứt tàn thuốc ra đường, mỗi lần đi nước ngoài là một cực hình.

Đi Singapore, trước khi đi một tuần, anh Hướng dẫn viên đã họp để nhắc đi nhắc lại rằng không được khạc nhổ, vứt rác tại nơi công cộng. Anh ấy lại nhắc thêm một lần nữa trong cuộc họp ngay trước ngày xuất hành. Rồi nhắc nhở tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhắc nhở khi mới đặt bước chân đâu tiên lên đất Singapore. Mỗi ngày, anh trưởng đoàn vẫn chưa yên tâm, cứ liên tục yêu cầu mọi người xem lại trong balo, kiểm lại tay xem có cầm cái gì có thể có nguy cơ vứt rác không thì bỏ ngay tại khách sạn!!!

Thời nay, thời của smartphone và mạng xã hội, mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng ta đều có thể bị chụp lại, quay phim lại, và hàng triệu người trên khắp thế giới biết tới. Nó còn bị lưu vĩnh viễn vào kho lưu trữ dữ liệu khổng lồ cuả Google ngay lập tức.

Bạn có thể đóng tiền cho con học toán, văn, sinh, sử... , nhưng không đủ. Bạn có thể cho con tham gia những trung tâm kỹ năng mềm, những khóa học giao tế như ngồi bàn tiệc Tây, dạy chọn cravat, thưởng thức rượu, dùng dao nĩa,.. khá hay nhưng cũng chưa đủ. Vẫn còn rất nhiều quy chuẩn mà chả ai viết ra, con bạn phải tự cảm, tự hiểu, và biến nó thành thói quen ngấm trong người.

Dù con bạn sau này kỹ sư hay bác sĩ, giáo viên hay công nhân, thì giao tiếp vẫn là chìa khoá để thành đạt. Lịch thiệp là một tiêu chuẩn buộc phải có của tầng lớp trí thức, tinh hoa, thượng lưu. Đừng để con mình thiệt thòi vì trót quen thuộc với những cư xử thô lỗ, vô cảm, bất lịch sự cuả bố mẹ từ trong nhà tới nơi công cộng.

Hãy để con mình được may mắn “thừa kế” sự tinh tế, thanh lịch thiệp từ ông bà, cha mẹ.

Bởi vì, Tinh tế, Thanh lịch không chỉ là Phong cách, nó là Nhân Cách!

(Theo Afamily.vn)