Cùng với việc triển khai thu thập, cập nhật, làm giàu dữ liệu theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Quảng Nam cũng đang chú trọng các dịch vụ công, tăng cường các tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tài khoản định danh điện tử mở ra nhiều tiện ích cho công dân. Ảnh: G.Đ
Tài khoản định danh điện tử mở ra nhiều tiện ích cho công dân. Ảnh: G.Đ

Làm giàu dữ liệu

Nhiều dấu ấn được ghi nhận qua 9 tháng triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh phát huy được vai trò nòng cốt trong chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Công an cấp xã phối hợp triển khai, thu thập, cập nhật, làm giàu dữ liệu.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ làm sạch thông tin tiêm chủng đã đạt hơn 94%. Về dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, 18/18 địa phương cấp huyện đã hoàn thành và lập danh sách chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội trực tiếp trên phần mềm.

Dữ liệu đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp đều đã hoàn thành.

Toàn tỉnh có 5 địa phương (Thăng Bình, Hiệp Đức, Đại Lộc, Tiên Phước, Tây Giang) đã chuyển đầy đủ dữ liệu người có công cho công an các xã, phường, thị trấn để cập nhật vào dữ liệu dân cư.

Đối với dữ liệu bảo hiểm xã hội, chỉ còn khoảng 5% số người chưa được đồng bộ căn cước công dân (CCCD) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Riêng ở lĩnh vực tư pháp, vẫn còn nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ khá thấp liên quan tiến độ cập nhật dữ liệu từ sổ đăng ký khai sinh (mới đạt 30%), sổ đăng ký khai tử (đạt 22%), sổ đăng ký kết hôn (đạt 20%).

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Quảng Nam đã triển khai đồng bộ hiệu quả 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Đối với 11/25 dịch vụ công thiết yếu do công an chủ trì có tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cao, một số lĩnh vực đạt 90 - 100%.

“Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tất cả cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chip, với tỷ lệ quét mã đạt hơn 46%. Hồ sơ trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử đạt hơn 90%.

Sở Y tế đã phê duyệt, cấp phép thành công 46 đơn vị sử dụng hồ sơ sức khỏe chuyển dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định BHYT liên thông phục vụ Đề án 06.

Ngoài ra, có 7 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn” - Thượng tá Nguyễn Thành Nhân thông tin.

Phục vụ phát triển công dân số

Không quá lâu sau khi làm thủ tục xin cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Bríu Thịnh Chung (xã Chơ Chun, Nam Giang) nhận được hộ chiếu gửi về tận nhà.

Qua quá trình tìm hiểu, Thịnh Chung đã tự đăng ký làm thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến. Quy trình khá suôn sẻ, tiện lợi, mất không quá nhiều thời gian và quan trọng là tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại, chờ đợi làm thủ tục như trước đây. Bạn trẻ này cũng đã chủ động hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trường hợp người dân ở địa phương có nhu cầu đăng ký làm hộ chiếu ngay tại nhà.

Tuổi trẻ Hiệp Đức tham gia tích cực trong đợt cao điểm cài đặt, kích hoạt tài khoản VNeID cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: T.N
Tuổi trẻ Hiệp Đức tham gia tích cực trong đợt cao điểm cài đặt, kích hoạt tài khoản VNeID cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: T.N

Tài khoản định danh điện tử đang mở ra rất nhiều tiện ích cho công dân, theo tinh thần chung của Đề án 06. Xác định tầm quan trọng của tài khoản định danh điện tử trong phục vụ phát triển công dân số, thời gian qua toàn tỉnh đã dốc toàn lực triển khai cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử đồng loạt ở các địa bàn.

Thống kê từ Công an tỉnh, đến ngày 28/9, tỷ lệ kích hoạt đạt xấp xỉ 80% so với chỉ tiêu được giao. Có một số địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt như Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước...

Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, những tiện ích từ tài khoản định danh điện tử trong giải quyết một số thủ tục hành chính trực tuyến được người dân tiếp cận, từ đó tạo được sức lan tỏa.

Bên cạnh đó, công an các địa phương cũng đã có cách làm hay, hiệu quả trong công tác hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ngày Chủ nhật hàng tuần đã trở thành “Ngày tạo lập, kích hoạt tài khoản định danh điện tử” ở nhiều địa phương những tuần qua.

“Ở vùng biên, Công an huyện Tây Giang phối hợp với các trường THPT trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền và đưa vào giảng dạy, thực hành ngoại khóa các nội dung về Đề án 06 đối với học sinh.

Thông qua công tác tuyên truyền và giảng dạy, học sinh sẽ được hướng dẫn các kiến thức cần thiết về Đề án 06, cài đặt, kích hoạt, sử dụng định danh điện tử, sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến và trở thành các “hạt nhân” tuyên truyền, nhân rộng Đề án 06 đến người thân, gia đình…

Công an huyện Tây Giang đã tham mưu tổ công tác Đề án 06 cấp huyện tổ chức trao tặng, hỗ trợ 2.000 sim chính chủ cho người dân có nhu cầu, phục vụ đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và sử dụng các tiện ích của đề án” - Đại tá Hồ Song Ân cho hay.

“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Thời gian tới Quảng Nam sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ tại 43 mô hình ứng dụng Đề án 06. Sau khi UBND tỉnh ký ban hành kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện có liên quan chủ động, khẩn trương phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đối với từng mô hình, đảm bảo sự thông suốt, thuận lợi, phục vụ tối đa cho nhu cầu của nhân dân theo mục tiêu chung”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Theo Phương Giang - Tâm Đan (Báo Quảng Nam)