Trong 5 năm (2016 - 2020), nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng đã được đưa vào sử dụng trong những năm đầu giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai, tạo đà cho nền kinh tế phát triển. Một trong những kết quả nổi bật của ngành GTVT đó là khơi thông được nguồn vốn đầu tư xã hội hóa và đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư. Trong các giai đoạn tiếp theo, ngành GTVT tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra.
Những dấu ấn hạ tầng giao thông |
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung phát triển các công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa; ưu tiên cải tạo, mở rộng các cảng hàng không lớn và các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn; cải tạo các quốc lộ trọng yếu, liên vùng, xóa các điểm đen về tai nạn giao thông; hoàn thành các dự án đường sắt dở dang, cải tạo các nút thắt để nâng cao năng lực thông qua của đường sắt hiện có, nghiên cứu xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển đầu mối; cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, nâng tĩnh không một số cầu đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên đường thuỷ nội địa phía Bắc, phía Nam và kết nối cảng biển; đầu tư đảm bảo đồng bộ các cảng biển cửa ngõ quốc tế và một số cảng biển có nhu cầu vận tải lớn; phát triển hệ thống cảng cạn.
Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ sẽ tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, đặc biệt là các tuyến vành đai hoặc kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.858 km đường cao tốc. Cải tạo, nâng cấp khoảng 3.000 km đường quốc lộ tại các vùng trọng yếu; xây dựng, cải tạo các cầu yếu trên hệ thống quốc lộ, xây dựng cầu thay thế các bến phà. Tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa hạ tầng đường bộ; từng bước xóa ngầm, tràn, điểm đen về TNGT trên quốc lộ; hoàn thiện hệ thống ATGT đường bộ; xây dựng, vận hành khai thác có hiệu quả các trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) theo hướng hiện đại, hiệu quả; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì, vận hành.
Lĩnh vực đường sắt sẽ tập trung cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên tuyến TP. Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Hải Phòng Hà Nội - Lào Cai. Xóa bỏ các lối đi tự mở trên mạng đường sắt quốc gia. Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu và xúc tiến đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị tại các thành phố lớn theo quy hoạch.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ sẽ cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, đặc biệt nâng cấp tĩnh không thông thuyền các cầu, cùng với hệ thống kết nối và hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo đồng bộ phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn, bao gồm: kênh nối Đáy-Ninh Cơ, cầu Đuống (trên hành lang số 1, phía Bắc), nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, các hành lang đường thuỷ và logistic khu vực phía Nam. Cùng với đó là kêu gọi đầu tư một số cảng thủy nội địa đầu mối ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc Bộ. Đảm bảo khả năng kết nối và thị phần đảm nhận cao của vận tải thuỷ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ đến bến cảng quốc tế Lạch Huyện; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cảng quốc tế Thị Vải-Cái Mép, vận tải ven biển. Lĩnh vực đường thủy nội địa sẽ tăng cường áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác tối ưu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa.
Trong lĩnh vực hàng hải, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung đầu tư các cảng biển, luồng tuyến để đảm bảo đồng bộ về quy mô và nhu cầu khai thác, như: xây dựng các bến cảng - Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng-Lạch Huyện; luồng vào cảng Cái Mép, luồng vào khu nước Cẩm Phả, xây dựng bến Liên Chiểu (cảng Đà Nẵng); đầu tư luồng hàng hải vào các bến cảng Khu vực Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp một số luồng, càng có nhu cầu vận tải lớn. Lĩnh vực hàng hải sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đèn biển, thông tin báo hiệu hàng hải và cơ sở vật chất phục vụ mục tiêu khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của đất nước; đầu tư hệ thống cảng cạn; các khu neo đậu tránh bão.
Lĩnh vực hàng không sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nâng cấp, xây dựng các cảng hàng không khác theo quy hoạch và nhu cầu vận tải như: Điện Biên, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Chu Lai, Cam Ranh, Phan Thiết, Phú Quốc... Đầu tư hạ tầng quản lý hoạt động bay áp dụng công nghệ mới để đảm bảo an toàn khai thác hệ thống.
Đặc biệt, trong 5 năm 2021-2025, Bộ GTVT sẽ nỗ lực tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics. Phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt để hỗ trợ hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics, đặc biệt là ở khu vực phía Nam và phía Bắc.
Phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng làm nền tảng; từng bước xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I; tiếp tục phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 20%-25%.
Hồ Nhi