Kết nối cung cầu gặp khó

Dịch bệnh đang khiến việc kết nối cung cầu hàng hóa ở nhiều địa phương phía Nam gặp khó khăn. Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Thường trực Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cho biết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 205/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối, 8/106 siêu thị và 129/2895 cửa hàng tiện lợi tạm đóng cửa do dịch Covid-19.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện tại có 35/105 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Co.opMart, Bách Hóa Xanh, Vinmart… bưu điện tỉnh (Viettel Post) cũng đang tổ chức bán hàng lưu động tại 45 điểm trên địa bàn chín huyện, thị xã, thành phố (bán luân phiên từ 10-15 điểm/ngày).

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nguồn cung hàng hóa thiết yếu của địa phương đến từ 2 nguồn tự sản xuất trong tỉnh và từ các tỉnh lân cận gồm Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây, thông qua các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh đưa hàng hóa thiết yếu về mỗi ngày phục vụ cho người dân. Tuy nhiên nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và áp dụng Chỉ thị16/CT-TTg kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa.

{keywords}
Giải quyết khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa

Báo cáo cũng nêu rõ, bước vào chính vụ trái cây nhãn và thanh long với sản lượng 2.000 – 3.000 tấn nhãn, thanh long 200 – 500 tấn. Tuy nhiên, do sản lượng nhiều nên việc kết nối, tiêu thụ còn chậm, hàng ngày tiêu thụ được khoảng 60 – 80 tấn, dẫn đến sản lượng tồn, giá thấp. Hơn nữa, người nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống siêu thị, bách hóa xanh do yêu cầu đầu vào của các hệ thống này nghiêm ngặt.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, nhân viên phục vụ siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng cố định lưu động hiện gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển bởi quy định không ra khỏi nhà trong thời gian từ 18h00 đến 6h00.

Để tiếp tục kết nối cung cầu chuỗi cung ứng, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu cũng như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho bảo quản sản phẩm nông lâm sản và thủy sản.

Sở Công Thương Đồng Nai Kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn chung cho nhân viên siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích được đi từ 4h30-6h sáng để nhân viên chuẩn bị hàng hóa và mở cửa bán lúc 6h00 và về muộn lúc 20h để có thời gian đóng cửa kiểm hàng, đóng quầy, tăng thời gian phục vụ cho người dân.

Nhiều giải pháp kịp thời 

Nhằm phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong việc ổn định cung cầu hàng hóa phục vụ người dân khu vực miền Nam, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu nhằm đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định, an toàn đến người dân.

Tổ công tác đặc biệt đã liên hệ nhanh với một số doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa, Sở Công Thương các tỉnh, thành phía Nam để nắm bắt vấn đề về khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu.

Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề vướng mắc tại các địa phương về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, Tổ công tác đã tham mưu đề xuất một số kiến nghị tại buổi làm việc (trực tuyến) giữa Bộ Công Thương với Bộ Giao thông Vận tải để tháo gỡ khó khăn.

Tổ Công tác kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tham mưu cho ủy ban nhân dân các địa phương điều chỉnh thời gian trong phiếu đi chợ phù hợp với thời gian mở cửa và năng lực phục vụ của các cơ sở bán lẻ hàng hóa thiết yếu trong khu vực dân cư.

Ngoài ra, Tổ cũng kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo, đôn đốc Sở Công Thương các địa phương chủ động có phương án bổ sung thêm các điểm bán hàng cố định, lưu động, mô hình “chợ ngoài trời”… bảo đảm quy định về phòng chống dịch Covid-19. Điều này để tăng cường phục vụ cho các khu đông dân cư, đặc biệt tại các tỉnh, thành có đông công nhân, lao động trong các khu/cụm công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện xuyên suốt, thống nhất chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa, trừ hàng cấm kinh doanh theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố các phía Nam trao đổi, thống nhất mẫu giấy đi đường để các doanh nghiệp thực hiện; kiến nghị Bộ Y tế cần chỉ đạo thống nhất quy định xét nghiệm test nhanh hoặc PCR trong vòng 72 tiếng đối với lái xe tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn chi tiết phương tiện chở chuyên gia đi giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lưu thông giữa các vùng xanh- vùng cam- vùng đỏ; chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải các địa phương rút ngắn thời gian cấp QR phân luồng xanh cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý phần mềm tự động gia hạn cho các phương tiện đã được cấp mã QR tại các tỉnh, thành vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ.

Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vaccine cho các khu công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… để giảm nguy cơ dừng hoạt động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài ảnh: Bảo An