Hiện Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Các CTMTQG được triển khai đồng bộ tại các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Đặc biệt, các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo
Giảm nghèo bền vững, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán xuyên suốt, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cũng như hành động thực tiễn nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Những thành quả về giảm nghèo của Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là “gần như chưa có tiền lệ”, được ví như “một cuộc cách mạng”, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu, kết quả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Tại nhiều tỉnh, thành phố, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn “lõi nghèo” có sự cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, có đến 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã thoát nghèo thành công. Đời sống của người dân trên cả nước không ngừng được cải thiện.
Hiện Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều (MPI). Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15-7-2023 cho thấy, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm qua.
Đáng nói, cho đến nay, nhiều quốc gia chưa áp dụng MPI hoặc cung cấp thiếu số liệu theo yêu cầu của công thức. Bởi chỉ số MPI cung cấp đánh giá toàn diện hơn kết quả giảm nghèo của từng quốc gia với nhiều khía cạnh bổ sung như các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…
Từ đây, có thể thấy, các chính sách giảm nghèo của Việt Nam đáp ứng khá tốt những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ theo hướng bền vững của thế giới. Chính vì thế, những thành tựu trong công tác giảm nghèo của nước ta đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.
Bộ mặt vùng đồng bào DTTS, miền núi đã có sự chuyển biến rõ rệt
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc DTTS và miền núi luôn là một nhiệm vụ mang tính chiến lược. Cùng với việc hoạch định chính sách chung cho cả nước, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng chính sách cho vùng DTTS & MN với chủ trương nhất quán đẩy nhanh phát triển về mọi mặt đối với vùng DTTS & MN, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước. Từ chủ trương đó, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN đã được ban hành như: Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719, ngày 14/10/2021, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025...
Về hiệu quả các chính sách giúp vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua phải kể tới Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719). Đây là Chương trình mang tính tổng thể đang phát huy các nguồn lực tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Trong giai đoạn 2021-2023, các nội dung thành phần của Chương trình đã đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, nhiều xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển.
Với việc tập trung đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng, giao thông, điện, đường, trường, trạm, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đường bê tông đã được xây dựng về đến hầu hết trung tâm xã vùng cao; các công trình thủy lợi, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây mới, tu sửa; thông tin liên lạc, mạng internet, mạng viễn thông di động được phủ sóng rộng rãi đến từng thôn, bản vùng đồng bào DTTS.
Tính đến năm nay, 100% xã miền núi, vùng đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia; trên 98% xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng; hơn 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân; mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp vùng đồng bào DTTS với tỉ lệ phủ sóng mạng di động băng rộng 4G đạt 99,8% tổng dân số.
Ở nhiều địa phương trên cả nước, những chương trình, chính sách được ban hành đang phát huy hiệu quả góp phần làm thay đổi diện mạo phát triển của vùng đồng bào DTTS & MN. Đời sống của đồng bào DTTS & MN ngày càng được cải thiện, tình trạng du canh du cư ở một số vùng đã giảm rõ rệt. Đến nay số xã có trạm y tế là 99,4%, trong đó có khoảng 60% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 96,12% người DTTS sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Toàn quốc hiện có 320 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với 105.818 học sinh; 1.134 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với 250.795 học sinh; tỉ lệ học sinh DTTS trong độ tuổi tới lớp tăng, số học sinh DTTS bỏ học giảm. Văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS được tôn trọng, bảo tồn và phát huy...
Theo Ủy ban Dân tộc, đánh giá sơ bộ của các địa phương, đến nay tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN đạt được một số kết quả như: Có 5/52 tỉnh, thành phố đạt mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; có 4/52 tỉnh đạt từ 1,5 đến 2 lần; có 17/52 tỉnh đạt dưới 1,5 lần. Có 25/52 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; có 8/52 tỉnh giảm từ 2 đến 3%; có 7/52 tỉnh giảm dưới 2%. Có 18/52 tỉnh, thành phố đạt 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; có 18/52 tỉnh đạt từ 80% đến 100%; có 4/52 tỉnh đạt dưới 80%. Có 16/52 tỉnh, thành phố Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định trên 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; có 3/52 tỉnh đạt từ 80 đến 90%; có 3/52 tỉnh, thành phố đạt dưới 80%....
Cùng với việc ban hành các chính sách đi vào cuộc sống giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 1/7, Tổng cục Thống kê (TCTK) và Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Đây là lần thứ 3 UBDT và TCTK phối hợp tổ chức thực hiện điều tra (lần điều tra đầu tiên thực hiện vào năm 2015, lần thứ 2 vào năm 2019).
Cuộc điều tra lần này hướng đến việc cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn, cán bộ, đảng viên, di cư tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng DTTS... Kết quả của cuộc điều tra sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể, Chiến lược công tác dân tộc, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030.
Có thể thấy, từ những chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống, cùng những con số thống kê chính thống phản ảnh khách quan, trung thực thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS là nguồn dữ liệu quý giá, là căn cứ quan trọng để xây dựng, hoạch định, giám sát thực hiện công tác dân tộc và nâng cao phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS & MN trước mắt và lâu dài.
Cả nước có 77,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 20-10-2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về cấp huyện, có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó, đã có 11 huyện (5%) được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về cấp tỉnh, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo đăng ký của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79-79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 38% số xã đạt nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Có khoảng 305 đơn vị cấp huyện (khoảng 47%) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, có khoảng 18 huyện (5,9%) được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao và chưa có huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Có thêm từ 1-2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ NN&PTNT, việc thực hiện chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của một số bộ, ngành và địa phương còn chậm; tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2024 đạt rất thấp. Đến hết tháng 8-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm…
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án/đề án/kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề xong trước ngày 30/11/2024, để có cơ sở bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện ngay trong năm 2024; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của địa phương, các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện các mô hình thuộc chương trình chuyên đề.