Triển lãm cổ vật Riêng một con đường mở cửa từ 9-14/12 tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội). 

ea4010701a96a0c8f987.jpg
Một số hiện vật sẽ được trưng bày.

Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ (tức Sĩ Mộc) đã có hơn 25 năm sưu tập, trao đổi và nghiên cứu cổ vật. Trong lần trưng bày này, Phạm Đức Sĩ giới thiệu các hiện vật đồ gốm, sớm nhất là gốm Hoa Lộc, cách đây khoảng 4000 - 5000 năm. Gốm Hoa Lộc có tạo dáng thô và dày, hoa văn riêng biệt, cùng nhiều con dấu hoa văn dùng để in trên vải. Tiếp đến là gốm Phùng Nguyên mở đầu cho thời kỳ Hùng Vương với sự hình thành của nhà nước sơ khai, rồi các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun...

Cũng như ngành dệt vải thô sơ của các bộ lạc, bộ tộc khi hoa văn là dấu tích của tín ngưỡng, văn hóa và đặc trưng riêng của bộ tộc - thì gốm và trang trí gốm cũng vậy. Chúng nói lên dấu ấn của dòng tộc, tín ngưỡng thờ cúng mà tộc người tôn thờ. Sự mô tả và cách điệu thiên nhiên cây cỏ chim thú... trở thành hoa văn trừu tượng trên gốm và dệt may.

3c13628c696ad3348a7b.jpg
Các hiện vật đồ đá.

Về các hiện vật đồ đá, theo nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ là kéo dài từ thời kỳ đồ đá mới cho đến thời kỳ đồ đồng và đồ sắt (Đông Sơn). Chúng gồm các loại công cụ lao động như rìu, đục, chày đập vỏ cây, cho đến các loại trang sức khuyên tai, vòng tay và vật đeo trên cổ như những biểu tượng tín ngưỡng nguyên thủy. 

Một số hiện vật được tìm thấy trong quá trình đào bới tự nhiên của những người nông dân khi lao động sản xuất mà nhà sưu tập may mắn có được; một số khác được những người khai thác cát trên sông Lô, sông Cầu thu nhận được. 

Ông Phạm Đức Sĩ cho biết, về căn bản đồ đào và đồ vớt từ sông nước rất khác nhau, do quá trình phong hóa và môi trường khác nhau. Về tính xác thực và đánh giá niên đại của những hiện vật đồ đá này, rất cần các nhà khảo cổ học góp ý và chỉ giáo. 

Đức Bảo