Cuộc “đối thoại” 2 phong cách: một hướng ra thế giới bên ngoài, một đi sâu vào nội tâm bên trong mang tới cơ hội khám phá hội họa kinh điển của thế giới cùng những khoảng “lặng yên” mà “rực rỡ” trong tâm trí người xem.

Claude Monet - ấn tượng thị giác tươi mới

Claude Monet (1840 -1926) là người sáng lập và dẫn dắt trường phái hội họa Ấn tượng khởi đầu cho nghệ thuật hiện đại.

20 bức họa được lựa chọn trình chiếu trải từ những năm 1860 đến thập niên 1920, phản ánh một chiều dài sáng tác của Monet với những đặc trưng cũng như chuyển biến trong phong cách nghệ thuật và tư duy thẩm mỹ.

{keywords}
 

Những tác phẩm như "Chim ác là" (1868 - 1869) hay "Bãi tắm La Grenouillere" (1869) điển hình cho giai đoạn đầu sáng tác khi Monet bắt đầu theo đuổi một lối vẽ tự do phóng khoáng hơn. Ông tìm cách ghi lại những ấn tượng thị giác tươi mới về phong cảnh trước mắt, sử dụng các nét cọ dày, rõ vệt, gối/chồng lên nhau và màu sắc rực rỡ, đối chọi để diễn tả tác động tức thời của ánh sáng.

{keywords}

 Tác phẩm "Chim ác là" (1868 - 1869) của Claude Monet

 

{keywords}

 Tác phẩm "Bãi tắm La Grenouillere" (1869) của Claude Monet

Bức "Ấn tượng, mặt trời mọc" (1872) là bước đi táo bạo và phá cách hơn nữa trong bút pháp Monet. Những vệt cọ nhanh, đứt đoạn, vẻ vội vã thậm chí nguệch ngoạc nhưng đầy dứt khoát, không còn chuyển sắc êm dịu, mà là những va đập đột ngột của các mảng màu tương phản cam - xanh, bình minh thoáng chốc hiện lên đầy sinh khí trong ánh sáng tỏa lan, biến ảo.

Bức tranh này xuất hiện trong cuộc triển lãm độc lập đầu tiên vào năm 1874 tại Paris của Monet và những họa sĩ cùng chí hướng, đã bị giới phê bình chỉ trích bởi sự “lệch chuẩn” so với quan niệm thẩm mỹ bấy giờ, lại vì thế, trở nên nổi tiếng. Trường phái “Ấn tượng” ra đời kể từ đó, mở ra cánh cửa cho những biểu đạt tự do, sáng tạo và đa dạng.

{keywords}

Tác phẩm "Ấn tượng, mặt trời mọc" (1872) của Claude Monet

Các tranh vẽ theo chuỗi của Monet ở giai đoạn về sau như “Bến tàu Saint Lazare”, “Những đống cỏ khô” hay “Nhà thờ Rouen” là kết quả quá trình tập trung nghiên cứu vẽ một đối tượng trong nhiều thời điểm khác nhau trong ngày hay các mùa khác nhau trong năm, đã giúp ông khám phá sâu sắc hơn ảnh hưởng của ánh sáng, sự chuyển dịch của thời gian - không gian trong một cảm thức về sự phù du và vận động không ngừng của cuộc sống.

{keywords}

Tác phẩm "Những đống cỏ khô” (1890) của Claude Monet được trình chiếu trong triển lãm “Lặng yên rực rỡ” tại VCCA

Khán giả còn có cơ hội thưởng thức hai kiệt tác đồ sộ nhất trong bộ sưu tập “Hoa súng nước” - gồm khoảng 250 bức tranh được Monet thực hiện từ năm 1897 - 1926 tại khu vườn nhà ở Giverny. Hình ảnh tác phẩm được phóng lớn, kết hợp cùng hiệu ứng chuyển động chậm và liên tục, gợi cảm giác về một sự chảy trôi vô tận.

{keywords}

 Một phần hình ảnh tác phẩm “Phản chiếu những đám mây trên hồ hoa súng nước” (1914 - 1926) của Claude Monet

Bức tranh được Monet sáng tác trong hơn 10 năm cuối đời, cùng thời điểm diễn ra thế chiến thứ nhất, không đơn thuần chỉ là một ghi chép về thiên nhiên, phong cảnh, mà còn cất chứa những suy tư của tác giả về sự già đi, sự sống - cái chết, ý nghĩa của tồn tại.

Pierre Bonnard - ẩn ý sau những sắc màu

Triển lãm cũng là dịp để khán giả tìm hiểu danh họa bậc thầy thời kỳ Hậu ấn tượng Pierre Bonnard (1867 - 1947), một trong những họa sĩ có phong cách độc đáo nhất của thế kỷ 20 và cùng là người đã giúp bắc cầu cho chủ nghĩa Ấn tượng và Trừu tượng.

30 tác phẩm của ông tại triển lãm “Lặng yên rực rỡ” nằm trong số những bức xuất sắc nhất giai đoạn sau sự nghiệp (từ 1909 đến 1947), bộc lộ rõ những phẩm chất đặc trưng của hội họa Bonnard.

{keywords}

Tác phẩm “Người phụ nữ với đèn” (1909) được trình chiếu tại triển lãm “Lặng yên rực rỡ”

 

{keywords}

Pierre Bonnard gắn liền tên tuổi với trường phái nghệ thật Thân mật với nhiều tác phẩm vẽ những cảnh tượng của đời sống hàng ngày

Các bức tranh như “Nội thất và hoa” (1919), “Cửa sổ Pháp” (1932), “Trong phòng tắm” (1940)... gói ghém những khung cảnh quen thuộc và riêng tư của đời sống thường nhật mà ông vẽ lại từ ký ức, đa phần được trình chiếu với kích thước nhỏ để người xem quan sát ở khoảng cách gần - trong một không khí gần gũi, thân mật hơn.

Tranh của ông thường có bố cục “lạ” với khung hình dường như bị cắt chia tùy hứng, đôi khi nhân vật “đường đột” xuất hiện ở những vị trí không ngờ tới như trong bức “Cửa sổ mở” (1921) hay “Trước bữa tối” (1924). Tất cả tạo nên một tổng thể đầy tính ngẫu nhiên, như cái cách hồi ức bất chợt hiện diện, không định trước. 

{keywords}

Tác phẩm “Cửa sổ Pháp” (1932) của Pierre Bonnard được giới thiệu dưới “phiên bản số” tại VCCA

Đặc biệt, Bonnard là bậc thầy trong việc sử dụng màu sắc như một phương tiện biểu đạt tâm trạng. Đối tượng của ông không còn là cảnh - người - hay bất kỳ điều gì thuộc về ngoại cảnh, mà là những rung động từ tâm tưởng, như chính ông từng nói: "Hội họa phải quay trở về mục đích ban đầu của nó, là khám phá thế giới nội tại của con người".

{keywords}

 Hình ảnh tác phẩm “Cà phê” (1915) của Bonnard tại triển lãm ở VCCA

Những nhân vật của Bonnard mang một dáng vẻ trầm ngâm, dường như không để ý đến ánh nhìn của người xem, họ gắn bó với không gian xung quanh tới mức như hòa lẫn vào trong đó, tất cả tạo cảm giác về một thế giới cô lập, khép kín, tĩnh lặng và đầy ưu tư. 

{keywords}

 Tác phẩm “Trước bữa tối” (1924) của Pierre Bonnard

Các tác phẩm của Monet và Bonnard được trưng bày đan xen trong triển lãm đã mang đến cho người xem một cuộc đối thoại thú vị của hai phong cách, hai thế giới quan nghệ thuật vừa tương phản vừa đồng điệu. Cùng là nắm bắt khoảnh khắc, một người vẽ về những rung động nhìn thấy trong khoảnh khắc, một người vẽ những cảnh vật nội tâm cảm; một người hướng ra thế giới bên ngoài, một người trở vào bên trong. Cuộc đối thoại gợi cho người xem những so sánh, suy ngẫm, liên tưởng, để từ đó mở rộng thêm những góc nhìn mới mẻ về nghệ thuật và cuộc sống.

{keywords}

 

Triển lãm “Lặng yên rực rỡ” tiếp tục được mở cửa tới hết 1/5/2021, trở thành điểm đến nghệ thuật đặc sắc dành cho những người yêu nghệ thuật trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này.

Minh Tuấn