Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến tháng 12/2023 cả nước hiện có 86.820 tàu khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6-dưới 12m là 38.500 chiếc (chiếm 44,34%); tàu cá có chiều dài từ 12-15m là 18.299 chiếc (chiếm 21,08%); tàu cá có chiều dài từ 15-dưới 24m là 27.503 chiếc (chiếm 31,68%); tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 2.588 chiếc (chiếm 2,9%). Như vậy, số lượng tàu cá xa bờ đang chiếm gần 35% đội tàu cá của các địa phương.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis, sau khi bị thẻ vàng IUU, Việt Nam đã có nỗ lực lớn trong xây dựng cơ sở pháp lý về IUU và EC cam kết đồng hành với Việt Nam trong vấn đề này nhằm giải quyết các vướng mắc để sớm có kết luận cuối cùng vào tháng 5/2024. Trong thời gian này, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc hoàn thiện các quy định, nâng cấp tàu cá, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, ký cam kết không vi phạm hay tuân thủ những quy định liên quan.

Tàu cá 3.jpg
Tàu cá Quảng Ngãi đang ở cảng chuẩn bị tiếp nhiên liệu và chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Ảnh: Nam Phương

Thực tế, trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi tháng 11/2023 mới đây, Phó chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis cho biết, phía EC đánh giá Việt Nam đã có nỗ lực lớn trong xây dựng cơ sở pháp lý ngăn hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), vấn đề hiện nay là thực thi những quy định pháp lý này. “Hồi tháng 10/2023, đã có đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu (EU) đối với vấn đề chống khai thác IUU tới Việt Nam, những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam được phái đoàn hết sức ghi nhận”, ông Dombrovskis chia sẻ.

Là một trong những địa phương trọng điểm được yêu cầu thanh tra hồi tháng 10 vừa qua, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Nhận thức rất rõ nỗ lực chung của Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh thành bạn, địa phương cũng đã nỗ lực triển khai cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản, trong đó thông tin dữ liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã được các bộ phận, cá nhân phụ trách cập nhật, khai thác thường xuyên trên phần mềm.

“Tính đến tháng 12 này, các huyện thị có tàu cá tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn thành rà soát, triển khai xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chỉ đạo các địa phương cấp huyện, xã không cho phát sinh thêm phương tiện chưa đăng ký trên địa bàn quản lý, không cho phát sinh trường hợp tàu cá tự đóng mới, mua bán mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh; tuyệt đối không giải quyết xuất bến/rời cảng đối với tàu cá chưa đăng ký”, bà Na cho biết thêm.

Thực tế, công tác kiểm soát liên ngành đối với tàu cá khi rời bến tại các địa phương đang được làm rất chặt, các lực lượng như Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển… cũng vào cuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp tàu cá chưa đăng ký mà đưa vào hoạt động… Những tỉnh thành có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận… được bố trí kiểm tra, rà soát và hậu kiểm nhằm chấn chỉnh các vi phạm IUU vốn mang tính cố hữu trước đây.

Quay lại với đại diện EU, Phó chủ tịch điều hành EC cho biết, tính đến tháng 5/2024 chỉ còn vài tháng để Việt Nam hoàn thiện các yêu cầu trước khi đoàn thanh tra mới của EU tới Việt Nam để giám sát lần cuối và có kết luận về khả năng gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Với sự nỗ lực của Việt Nam như hiện tại, đại diện EC cho rằng khả năng gỡ thẻ vàng của ngành thủy sản Việt Nam là rất khả quan. Bởi Việt Nam luôn có những chính sách mang tính xây dựng, đi đúng hướng về các quan điểm IUU của EU. Đồng thời Việt Nam là quốc gia đối tác thương mại lớn của EU đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. 

“EU muốn thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là kinh tế xanh. Do đó, Việt Nam là đối tác tin cậy của EU, do đó không có lí do gì ngăn chặn những nỗ lực xóa thẻ vàng IUU với Việt Nam sau những nỗ lực vừa qua”, ông Dombrovskis tin tưởng. Được biết, năm 2022 kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ lục 64 tỉ Euro, đã biến Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

Nam Phương