Diễn giả Damon Horowitz là một giảng viên Triết học thuộc Dự án Đại học Nhà tù. Ông mang những bài giảng về triết học đến với các tù nhân Nhà tù Liên bang San Quentin (Mỹ). Trong bài nói chuyện ngắn gọn nhưng đầy mạnh mẽ của mình, ông đã kể câu chuyện về một tù nhân đã tiếp cận với triết học như thế nào.

Dưới đây là nguyên văn bài thuyết trình của Damon Horowitz có tên “Triết học trong nhà tù”:

Các bạn hãy gặp Tony – học trò của tôi. Anh ấy chạc bằng tuổi tôi. Hiện anh ấy đang ở Nhà tù liên bang San Quentin. Khi Tony 16 tuổi, một ngày, trong một khoảnh khắc, Tony nghĩ: “Đó là khẩu súng của mẹ. Chỉ cần khoe thôi là hắn ta sẽ sợ chết khiếp. Hắn là một tên khốn. Hắn có một ít tiền. Chúng ta sẽ lấy tiền của hắn để dạy hắn một bài học. Rồi tôi lại nghĩ ‘Không thể làm chuyện sai trái này được”. Nhưng thằng bạn lại bảo “C’mon, hãy làm đi”. Tôi bảo “cùng làm đi””. Và 3 từ đó có lẽ Tony sẽ nhớ suốt đời, vì những gì cậu nghe thấy sau đó là một tiếng nổ. Tên khốn đó ngã lăn ra đất, máu loang đầy. Tội giết người – từ 25 năm tù tới chung thân, tạm tha lúc 50 tuổi nếu bạn may mắn, nhưng Tony thì không cảm thấy mình may mắn cho lắm.

Vì thế, khi chúng tôi gặp nhau ở lớp học Triết học trong nhà tù và nghe tôi nói “Ở lớp học này, chúng ta sẽ thảo luận về nền tảng của đạo đức”, Tony đã ngắt lời tôi. “Thầy sẽ dạy tôi điều gì về cái sai và cái đúng? Tôi biết thế nào là sai. Tôi đã làm sai. Mỗi ngày, mỗi khuôn mặt mà tôi nhìn thấy, mỗi bức tường mà tôi phải đối diện đều nhắc nhở tôi rằng tôi đã làm sai. Nếu được ra khỏi đây, tên tôi sẽ luôn có một cái bớt. Tôi là một kẻ ngồi tù. Tôi đã bị dán mác “sai trái”. Thầy sẽ nói với tôi điều gì về cái đúng và cái sai?”

Và tôi đã nói với Tony “Xin lỗi, nhưng nó sẽ tệ hơn những gì cậu đang nghĩ. Cậu nghĩ cậu biết thế nào là đúng sai ư? Cậu có thể nói với tôi thế nào là sai không? Không, đừng chỉ đưa cho tôi một ví dụ. Tôi muốn biết bản chất của cái sai, của khái niệm sai trái. Nó là gì? Điều gì khiến một thứ trở thành sai trái? Có thể cậu và tôi không đồng nhất quan điểm, nhưng chúng ta ở đây không phải để trao đổi quan điểm. Ai cũng có quan điểm của riêng mình. Chúng ta ở đây để lấy kiến thức. Kẻ thù của chúng ta là những suy nghĩ nông cạn. Đó chính là triết học”.

Và điều gì đó trong những gì tôi nói đã khiến Tony thay đổi. “Có thể tôi đã sai. Tôi mệt mỏi khi cứ luôn sai lầm. Tôi muốn biết sai là gì. Tôi muốn biết điều mà tôi đang phải trả giá”. Những gì Tony thấy trong khoảnh khắc đó chính là Triết học – thứ mà triết gia lớn nhất thời kỳ cận đại Immanuel Kant gọi là “sự ngưỡng mộ và kính trọng bầu trời đầy sao bên trên và những luân thường đạo lý trong đó”. Những sinh vật như chúng ta có thể biết gì về những thứ này? Đó là một môn học luôn đưa chúng ta quay trở lại với tình trạng tồn tại – cái mà triết gia người Đức Martin Heidegger gọi là “luôn đã ở sẵn đó”. Đó là môn học đặt câu hỏi về những gì mà chúng ta tin tưởng và lý do tại sao chúng ta lại tin tưởng – cái mà Socrates gọi là “cuộc sống đã kiểm định”. Socrates – một người đủ khôn ngoan để biết rằng ông chẳng biết gì cả. Socrates đã chết trong tù, nhưng triết lý của ông thì còn mãi.

{keywords}

Và Tony bắt đầu làm bài tập về nhà. Cậu ấy học cách đặt câu hỏi tại sao và tìm ra nguyên nhân cho nó, cũng như học về các mối tương quan, logic và những sai lầm. Tony đã tiếp cận được với triết học. Thân thể cậu ấy ở trong tù, nhưng tâm trí của cậu ấy thì tự do. Tony học về sự bừa bãi mang tính bản thể, khoa học về sự lo lắng, sự đáng ngờ mang tính đạo đức, sự lố bịch mang tính siêu hình. Đó là Plato, Descartes, Nietzsche và Bill Clinton.

Vì thế khi cậu ấy đưa cho tôi bài viết cuối cùng của mình, trong đó lập luận rằng nhu cầu tuyệt đối có lẽ quá vững chắc đến mức không thể giải quyết được những mâu thuẫn ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của chúng ta và thách thức tôi nói cho cậu ấy liệu có phải vì thế mà chúng ta lên án sự thất bại về đạo đức hay không. Tôi đã nói “Tôi không biết. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ về điều đó”. Bởi vì lúc đó không có cái bớt nào trong cái tên của Tony. Chỉ có 2 chúng tôi đứng đó. Không phải là một giáo sư và một tù nhân, chỉ là hai tư tưởng sẵn sàng tiếp cận Triết học. Và tôi đã nói với Tony rằng: “Cùng làm đi”.

Damon Horowitz dạy Triết học, Khoa học nhận thức và Khoa học máy tính ở một số trường đại học, trong đó có ĐH Stanford, ĐH New York, ĐH Pennsylvania và Nhà tù Liên bang San Quentin. Ông cũng là một triết gia và một doanh nhân.
  • Nguyễn Thảo (Theo TED)