Năm 2020, người dân ở nhiều nước được yêu cầu ở trong nhà để tránh lây nhiễm Covid-19. Hai năm trôi qua, thế giới đã thay đổi và biến thể cũng vậy.
Các nước đang cố sống chung với biến thể Omicron khác xa so với chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành phổ biến vào đầu năm 2020. Các biến thể hiện nay ít gây ra bệnh nghiêm trọng như trước đây nhưng lại dễ lây lan hơn.
Ảnh minh họa: Paho
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy những biến thể mới khiến triệu chứng biểu hiện sau một khoảng thời gian ngắn hơn. Khi các biến thể Alpha và Delta chiếm ưu thế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thường mất từ hai ngày đến hai tuần để các triệu chứng xuất hiện. Với Omicron và các biến thể nhánh của Omicron, khoảng thời gian có thể ngắn hơn nhiều (3-5 ngày).
Tiến sĩ Allison Arwady cho biết: “Những gì chúng tôi đang thấy là mọi thứ đều được đẩy nhanh. Sẽ mất ít thời gian hơn để bị nhiễm bệnh và phát triển các triệu chứng".
Hơn nữa, Tiến sĩ Arwady nói, mọi người nhìn chung “mất ít thời gian hơn để phục hồi”. Khả năng lây bệnh của một người đã nhiễm virus xảy ra trong vòng 5 ngày.
Các nhà khoa học tin rằng một người có khả năng lây nhiễm cao nhất từ 1 đến 2 ngày trước khi các triệu chứng phát triển và trong 2 đến 3 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu.
Bộ trưởng Y tế Anh, Sajid Javid, thông tin: “Phân tích gần đây từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh ghi nhận, khoảng cách giữa nhiễm bệnh và khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron có thể ngắn hơn so với Delta”.
Các triệu chứng cũng thay đổi như thời kỳ lây nhiễm. Khi bắt đầu đại dịch, các triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19 là ho dai dẳng, sốt, mất khứu giác/vị giác.
Ngày nay, các triệu chứng do Omicron gây ra gần giống với cảm lạnh thông thường gồm đau nhức cơ thể, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, ngứa họng.
An Yên (Theo Express)
Nhà khoa học gốc Việt tìm ra biến thể lai giữa Omicron và Delta
Scott Nguyen phát hiện ra biến thể SARS-CoV-2 có sự kết hợp của Omicron và Delta.