Đi lên từ thất bại

Đang chăm sóc đàn dê trong chuồng, Đảng viên Đặng Văn Hồng tại thôn Nghè, xã Hương Sơn, (Quang Bình, Hà Giang) cho biết: “Mấy năm nay, dê thương phẩm có giá nên tôi tập trung nuôi. Lứa dê này mấy tháng nữa tôi mới xuất bán theo đơn đặt hàng, dự kiến sẽ thu hàng trăm triệu đồng”.

Kể lại chuyện khởi nghiệp, anh Hồng không khỏi bùi ngùi: “Khi còn nhỏ, nhà tôi rất nghèo, với vài sào đất vườn, làm quanh năm vẫn không đủ ăn. Tôi nghĩ trên vùng đất đồi này mà mình đang sống, trồng cây ăn trái, nuôi vịt, nuôi gà chắc chắn sẽ có ăn. Vậy là khi đó, tôi lao vào làm ăn”.

Nghĩ là làm, bằng nguồn vốn ít ỏi và vay thêm, anh Hồng bắt đầu trồng cây cam và nuôi vịt, gà. “Vạn sự khởi đầu nan, nhiều lần thất bại do tôi chưa có kinh nghiệm.  Vì vậy vốn liếng tôi dành dụm được lần lượt “đội nón ra đi”.  Nhưng tôi không bỏ cuộc, tôi vẫn kiên trì tìm hướng đi mới” , anh Hồng tâm sự.

Để cây có năng suất cao, hạn chế dịch bệnh, anh Hồng bắt đầu tham dự đầy đủ các lớp tập huấn chuyên ngành do địa phương tổ chức. Từ đó, khi có kiến thức mới về nông nghiệp, anh liền áp dụng trên vườn cây của mình. Nhờ vậy, lúc nào vườn nhà anh cũng sai trái, cho thu nhập cao. Tích thiểu thành đaị, đến nay, anh đã có 6 ha trồng cây keo và hơn 500 gốc cam Sành và cam Vinh.

Thấy phong trài nuôi dê phát triển, anh Hồng cũng quyết định đầu tư nuôi. Anh cho biết, “tôi chọn nuôi nuôi dê vì tốn ít vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nông nhàn, đặc biệt là giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác”. 

{keywords}
Tổng đàn dê hiện tại của anh Đặng Văn Hồng lên đến 70 con.

Năm 2017, anh Hồng bắt tay vào làm chuồng và mua 5 con dê giống về nuôi và cho sinh sản. Đến nay, sau gần 3 năm, từ 5 con giống ban đầu anh Hồng đã cho lai tạo và sinh sản, với tổng đàn dê hiện tại lên đến 70 con, phát triển thành trang trại nuôi dê để cung cấp nguồn dê thịt và dê giống ra thị trường.

Chỉ trong vòng 3 năm tích cực nhân giống và chăm sóc, đàn dê của anh đã tăng lên nhanh chóng. Anh Hồng cho biết dê cân nặng 16 - 30kg/con là có thể xuất chuồng;06 tháng anh xuất bán được một lứa, giá dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Tổng thu nhập mỗi năm nguồn thu nhập từ trại dê của anh lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, anh còn tận dụng phân dê để làm phân bón chăm sóc cho cây cam.

Ngoài mô hình nuôi dê anh còn kết hợp chăn nuôi lợn đen, nuôi gà lấy thịt, mô hình đang hoạt động có hiệu quả và đem đến nhiều kết quả đáng mừng.

Anh Hồng trải lòng, “Bây giờ, làm gì cũng phải có kiến thức, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi đi nhiều nơi học hỏi, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi  và trồng trọt mới thì tôi mới có được thành quả như ngày hôm nay”.

Giúp đỡ người nghèo

Với mô hình  nuôi dê thương phẩm đã mang về cho gia đình anh Hồng hàng trăm triệu mỗi lứa sau khi trừ các chi phí. Hiện trang trại nuôi dê của anh cũng giải quyết việc làm cho  những người nghèo trong thôn, thu nhập mỗi người từ 4-6 triệu đồng/tháng.

“Từng khốn khổ nên tôi hiểu sự khó khăn của người nghèo. Khi khá giả, tôi tự nhủ sẽ giúp đỡ họ bằng nhiều cách”, anh Hồng bộc bạch.

Theo anh Hồng, “Bà con trong xã muốn khởi nghiệp chăn nuôi dê không khó, tuy nhiên cần lưu ý đến nguồn thức ăn tại địa phương có phong phú không, khi thu cắt nguồn thức ăn về cho dê cần quan tâm đến các khu vực phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Phải biết nắm bắt khoa học kỹ thuật ứng dụng vào chăn nuôi và cần có diện tích thâm canh trồng cỏ để chủ động được nguồn thức ăn quanh năm.

Ngoài ra, anh Hồng cũng nhận cung cấp và hỗ trợ giống cho bà con nhân dân trên địa bàn xã khi có nhu cầu chăn nuôi dê thương phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Được biết hiện nay tại địa bàn xã  Hương Sơn đã có rất nhiều hộ nuôi dê. Bình quân 10 nông hộ thì có đến 6-7 hộ nuôi dê. Việc nuôi dê thực sự đã mang lại nguồn kinh tế khá ổn định, giải quyết việc làm,  nhiều hộ dân thoát nghèo đói từ nuôi dê.

Thúy Nga
Ảnh: Bích Hạnh