Trong những trang viết đầy tâm sự của Khoa, người đọc vẫn bắt gặp những cảm xúc giữa hai thái cực, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, mông lung nhưng lại rất đau đáu, như thể con người ta đối thoại với chính mình bằng những cảm xúc thành thật nhất vậy. 

“Trở về một đứa trẻ” là tản văn mới nhất của Khoa, do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Cuốn sách tập hợp những mẩu viết nho nhỏ về tình yêu, cuộc sống, gia đình và những chuyến đi của tác giả. Gấp sách lại, người đọc không khỏi thổn thức về những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

{keywords}
Tác giả Nguyễn Đinh Khoa.

Nỗi buồn giữa xã hội hiện đại

Khoa vẫn hay viết về sự cô đơn, như thể hễ cứ đặt Khoa vào giữa một đám đông, người ta vẫn thấy một một bầu không khí cô đơn lan tỏa xung quanh. Sự cô đơn trong những con chữ của Khoa mang một dư vị rất lạ, có khi xót xa, có khi gần gũi, thoảng hoặc bắt gặp những tổn thương rất đời thường của một người đã đi qua nhiều trăn trở trong cuộc sống.

Khoa kể những câu chuyện của mình, vậy mà người đọc vẫn loáng thoáng thấy mình ở đó, trong một khoảng thời gian yêu dại khờ hay trong những ngày lang thang giữa thành phố nhộn nhịp này. “Con người nỗ lực để tìm nhau, nhưng rồi lạc nhau, hay chính họ nhìn bản thân phai nhạt giữa đời sống xã hội?”

Những tưởng những cảm xúc đó cứ kéo dài ra mãi rồi trở nên bi lụy, nhưng Khoa đã chọn cách đối diện với những nỗi buồn, bằng một tâm thế cởi mở hơn, bằng một trái tim đầy tình yêu, để hướng mình về những điều tốt đẹp khác, rằng bất cứ ai cũng có thể tìm thấy hạnh phúc từ trong nỗi đau.

Có lẽ vì vậy mà nỗi buồn trong những trang viết của Khoa không nhạt hay mông lung, mà trái lại rất tình cảm, có lẽ vì thế mà chạm đến người đọc bằng thông điệp: “Tôi nghĩ mình, như bất cứ ai trên con đường trưởng thành, cũng cần đi qua ngần ấy đau thương, để hiểu về bản ngã, để hướng mình về những điều lạc quan trong cuộc sống”.

{keywords}
 

Tổn thương được chữa lành bằng con chữ

“Tôi nằm xuống giường, đắp lên mình một nỗi buồn vô cớ. Tôi tự hỏi mình sẽ đi qua tổn thương như thế nào? Tự hỏi liệu có ai đi qua mà chưa từng mất mát? Liệu có một lúc nào đó trái tim mình sẽ tự lành?” Tác giả đã đặt ra cho mình những câu hỏi như thế.

Khoa đã viết như một cách để chữa lành những tổn thương, từ những trải nghiệm của bản thân, từ cách đối diện với những tổn thương đó cho đến việc lựa chọn không níu kéo chúng nữa. Sự mất mát trong những trang viết của Khoa cũng trở nên nhẹ nhàng như một buổi sáng trời trong nắng đẹp “Từ đó, tôi hiểu rằng bất kể mình trải qua biến cố gì, tất cả chúng đều thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời này.”

Cuộc sống hiện đại khiến con người ta dễ bị tổn thương hơn. Chúng ta cũng dễ tìm quên bằng những phương tiện vật chất bên ngoài, và đến một lúc lại quay trở lại ràng buộc lại mình. Người đọc có thể nhận ra cách để tự mình chữa lành tổn thương bằng những thông điệp giản dị trong “Trở về một đứa trẻ”, bằng cách quay trở lại bên trong “tâm” mình, để nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp và sống một cách trọn vẹn hơn.

Trở về một đứa trẻ

Người đọc bắt gặp những triết lý Phật giáo bên dưới những bài viết của Khoa. “Đức Phật có dạy cảnh giới cao nhất của tâm là tâm không, vô tướng, vô tác, vô cầu. Chính khi rỗng lặng vô tâm thì những điều kỳ diệu có thể xảy ra. Đó là khi tâm bạn thoát ra được những ý định toan tính, buông xả những được-mất, đến-đi và những cái ta đầy tham vọng. Đó là khi tâm bạn không dích mắc vào quá khứ, hiện tại hay vị lai, tức là nó an nhiên mà không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào.”

Cách mà Khoa hướng đến với những giáo lý của Phật xem ra không cầu kì, nên dễ đi vào lòng người đọc bởi những điều thực tế mà tác giả đã chiêm nghiệm. Không chỉ để chia sẻ, mà những gì Khoa viết như cách tự mình quán chiếu bản thân mình, để từ đó nuôi dưỡng sự vững chãi trong thân và tâm.

{keywords}
Tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Đinh Khoa - Trở về một đứa trẻ.

Như tựa đề của cuốn sách “Trở về một đứa trẻ”, bên trong mỗi người luôn có một đứa trẻ kỳ diệu mà chúng ta thường quên mất. Để rồi khi mệt mỏi với cuộc sống bên ngoài, chúng ta có thể tìm về những khoảnh khắc tĩnh lặng để thành thật nói chuyện với đứa trẻ bên trong mình. 

“Người ta thường hay gõ cánh cửa ở những ngôi nhà khác để tìm thấy hạnh phúc, nhưng lại quên mất đã có một cánh cửa dành sẵn cho họ những điều hạnh phúc còn cao thượng hơn hết thảy mọi thứ.”

Nguyễn Đinh Khoa là cây bút trẻ, một kiến trúc sư. Với truyện dài Độc hành, anh đã đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 6, năm 2018. "Trở về một đứa trẻ" là tản văn mới nhất của anh, NXB Phụ nữ Việt Nam & Mây Thong Dong ấn hành, tháng 12-2021.

Dự án “Sách & cuộc sống” do Mây Thong Dong thực hiện, dự kiến mỗi tháng sẽ cho ra mắt từ 1-2 đầu sách viết về và viết bởi những con người trẻ, hiện đại, những công dân toàn cầu… với những câu chuyện thực tế, suy nghiệm bổ ích. Và cả những đầu sách kỹ năng, sống đạo từ chính đời sống của quý tu sĩ, Phật tử… Đây cũng là một “Góc an bên đời” khác mà Mây Thong Dong mong muốn được trải nghiệm.

Lợi nhuận từ hoạt động này (nếu có) sẽ được dành cho việc góp sức xây dựng các tủ sách, thư viện ở vùng thiếu sách, cần sách.

Tấn Khôi

'Bình an mà sống' của Lưu Đình Long: Ngòi bút uyển chuyển chở năng lượng tích cực

'Bình an mà sống' của Lưu Đình Long: Ngòi bút uyển chuyển chở năng lượng tích cực

Gần 10 năm viết sách, chặng đường không quá dài cho một người “gánh chữ”; nhưng đọc của Lưu Đình Long rồi khó ai có thể không công nhận sự uyển chuyển khi sử dụng ngòi bút của anh.