- Cơ quan chức năng vừa phát hiện hàng loạt doanh nghiệp dùng chất độc vàng ô và chất tạo nạc trộn vào thức ăn chăn nuôi với liều lượng cực cao, có mẫu phát hiện vượt 75 lần tiêu chuẩn cho phép.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN-PTNT, cho biết, ngày 16/11, khi kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, đoàn thanh tra của Bộ phát hiện trong kho của Công ty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (Hưng Yên) có 11 thùng chứa chất vàng ô và chất tạo màu cho công nghiệp nhuộm màu giấy. Trong đó, có một thùng vàng ô đang được dùng dở, vẫn còn 20 kg, số thùng kia đã dùng hết. Tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
“Đoàn đã tiến hành lấy 28 mẫu thức ăn chăn nuôi để về kiểm nghiệm xác định các mẫu thức ăn sản xuất tại đây có chất tạo nạc (Salbutamol) hay không”, ông Dũng nói.
Hàng loạt doanh nghiệp bị phát hiện có sử dụng chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi |
Trong khi đó, thanh tra tại Công ty TNHH TACN Trường Phú ở Nguyễn Lương Bằng, TP. Hải Dương, khi bị bắt quả tang, công ty này đã sử dụng chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ 200 g/tấn và lãnh đạo công ty đã khai nhận mua ở phố Hàng Buồm (Hà Nội).
Tại công ty này vẫn còn 2 thùng chất vàng ô dùng chưa hết và một thùng chất tạo màu vàng khác là Auramine, trọng lượng 30 kg/thùng.Theo ông Dũng, vàng ô là chất tạo màu công nghiệp, không dùng trong công nghệ thực phẩm và không trộn vào thức ăn chăn nuôi.
“Chất này có tác dụng tạo màu vàng cho cám giống như cám được sử dụng ngô nhiều khiến người chăn nuôi rất thích. Khi cho gà ăn sẽ tạo màu vàng đẹp mắt cho da”, ông Dũng nói. Thức ăn chăn nuôi của Công ty Trường Phú được tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên.
Tất cả các thùng chứa chất vàng ô đều có xuất xứ từ Trung Quốc |
Chất vàng ô được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu vàng đẹp và giúp gà khi ăn có được màu da vàng ươm |
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, ngày 12/11 đoàn thanh tra của Bộ NN-PTNT đã lấy 8 mẫu thức ăn chăn nuôi đem đi kiểm nghiệm, trong đó có 3 mẫu lấy tại cơ sở sản xuất và 5 mẫu lấy tại các đại lý. Kết quả, phát hiện 7/8 mẫu có chất tạo nạc, đặc biệt, có một mẫu phát hiện có hàm lượng chất tạo nạc cực cao, vượt 75 lần tiêu chuẩn cho phép.
“Theo quy định tại Thông tư mới nhất do Bộ NN-PTNT ban hành ngày 16/11, công ty Trường Phú sẽ bị xử lý hành chính hai hành vi, tổng tiền phạt là 280 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này còn phải chịu mức xử phạt bổ sung, đình chỉ sản xuất 1 tháng. Trường Phú phải có trách nhiệm thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã cung ứng ra thị trường để tiêu hủy”, ông Dũng nói.
Trước đó, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra 15 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc, trong đó phát hiện 7 doanh nghiệp vi phạm về sử dụng chất cấm và chất vàng ô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Riêng khu vực phía Bắc có 3 doanh nghiệp là Công ty Thiên Tôn (Hải Dương) sử dụng phẩm mầu công nghiệp bị xử phạt 120 triệu đồng; Công ty Vinmark (Bắc Giang) sử dụng cả chất Salbutamol và vàng ô bị xử phạt 170 triệu đồng; công ty Đại An Tín (Hải Dương) đang sử dụng và cất trữ 15 kg chất Salbutamol bị xử phạt 140 triệu đồng.
Theo Học viện Nông nghiệp, bản chất của chất vàng ô (VAT YELLOW) là tên gọi một nhóm hóa chất được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất giấy và công nghiêp dệt (nhuộm màu vàng sợ nhân taọ, vải, len, cotton,... ). Nhóm vàng ô có nhiều chất, có khối lượng và công thức hóa học khác nhau nhưng chúng đều có nhóm chức carbonyl đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhuộm. Về bản chất hóa học, các chất vàng ô thuộc nhóm anthraquinone, một trong những chất hóa học có tiềm năng gây ung thư ở động vật. Ủy ban An toàn thực phẩm châu Âu đã đưa ra những quy định mức tồn dư tối thiểu anthraquinone trong thực phẩm. Các triệu chứng đã được ghi nhận trên người khi bị nhiễm các anthraquinone bao gồm: nôn, tiêu chảy, tổn thương gan, thận gây hôn mê. Tại vùng da bị phơi nhiễm trực tiến với các anthraquinone, độ kích ứng quan sát được có thể ở mức tử nhẹ đến trung bình như: Sưng, phồng rộp, tấy đỏ và đau; đặc biệt ở những tế bào niêm mạc miệng, mũi và mắt. Nếu hít phải những chất này có thể gây khó thở. |
Bảo Hân