Trước đây, không gian sống rộng rãi, việc thiết kế, bố trí các thiết bị nhà bếp ít được chú trọng và được thực hiện khá đơn giản. Ngày nay, tại các khu vực đô thị, sự xuất hiện của nhiều chung cư với diện tích nhỏ, kéo theo các căn bếp cũng bị thu hẹp về không gian.
Với những căn nhà có phòng bếp “tí hon”, bài toán thường khiến các gia chủ đau đầu là bài trí làm sao để căn bếp chứa được hết các đồ đạc cần thiết, phục vụ đúng chức năng của nó mà vẫn không tạo cảm giác “nghẹt thở” vì chật chội khi bước vào. Đây không phải là bài toán dễ nhưng vẫn có cách xử lý để tận dụng được hết không gian căn bếp mà không gây bí bách.
Phòng bếp này có diện tích khá nhỏ hẹp, được thiết kế với màu trắng chủ đạo, nhấn nhá bằng một vài chiếc ghế nhỏ xinh màu xanh tươi sáng. Thiết kế như thổi một làn gió mới vào trong phòng bếp vốn dĩ nóng bức từ các hoạt động nấu nướng.
Phòng bếp mang phong cách vintage này chỉ sử dụng 2 màu đen - trắng cơ bản nhưng ấn tượng. Hệ tủ bếp chữ I vừa dễ thao tác khi nấu nướng, vừa cho phép gia chủ tận dụng không gian còn lại để làm khu bàn ăn.
Bạn đừng bỏ qua những mảng tường còn trống trong phòng bếp nhé! Bạn có thể sử dụng các loại kệ để tránh lãng phí không gian. Để tăng tính thẩm mỹ cho phòng bếp, bạn có thể trưng bày trên hệ thống kệ mở chai, lọ, cốc chén, bát đĩa,…độc đáo của mình.
Những chiếc móc treo nhỏ xinh với sự đa dạng về kiểu dáng không chỉ giúp tận dụng tối đa không gian để lưu trữ đồ dùng như cốc chén, xoong nồi,… mà nó còn giúp phòng bếp của bạn trở nên rộng rãi hơn rất nhiều.
Căn bếp nhỏ hoàn toàn có thể trở nên ấn tượng nhờ những ô màu sặc sỡ. Nhiều người cho rằng, bếp là nơi nấu nướng nên không nhất thiết phải bỏ ra quá nhiều công sức để trang trí, chỉ cần đảm bảo sự sạch sẽ và tiện ích của chúng là được. Nhưng thực tế khi bước vào căn bếp đẹp và bắt mắt mỗi ngày, cảm giác thích thú với việc nấu ăn sẽ tăng lên nhiều đó.
Căn bếp này có diện tích chỉ chừng 3m2 nhưng hệ bếp chữ L thực sự phát huy tác dụng, giúp khu bếp trở nên gọn gàng, tiện dụng và đẹp mắt hơn.
Với những không gian nhà bếp nhỏ hẹp thì nội thất đa chức năng chính là lựa chọn hoàn hảo. Chiếc bàn nhỏ xinh này có tới 4 chức năng, vừa là tủ để đồ, vừa làm bàn bar giúp không gian bếp sống động, vừa làm bàn để sơ chế thức ăn, khi cần lại có thể biến thành bàn ăn tiện lợi.
Những giá để đồ, kệ để đồ cồng kềnh phía trên và dưới bếp có thể được thay thế bằng tủ để đồ âm tường với hệ thống thanh để đồ khoa học. Những món đồ như bát đĩa, gia vị và khăn lau nhà bếp sẽ không còn nằm bừa bãi trên bàn bếp hay khu vực nấu nướng nữa. Chúng sẽ được đặt gọn gàng ở trong tủ. Chỉ với chiếc tủ âm tường có thể kéo đẩy nhẹ nhàng, toàn bộ sự lộn xộn của bạn sẽ được giải quyết. Chiếc tủ bếp âm tường này chính là cách tốt nhất để giúp phòng bếp nhà bạn luôn gọn gàng và sạch sẽ.
Đăng Duy (Tổng hợp)
Giật mình với những lỗi ngớ ngẩn khiến căn nhà trở nên bừa bộn
- Chủ nhà sẽ làm cho căn nhà chật chội và kém ấm cúng khi mắc phải những lỗi thấy rõ ràng trước mắt dưới đây.