Thốt lời nghiệt ngã
Ông Scott Minerd, Giám đốc đầu tư toàn cầu hãng Guggenheim Partners LLC, dự báo đồng tiền số Bitcoin có thể sẽ xuống mức 8.000 USD, giảm 70% so với giá hiện tại.
Hiện, giá Bitcoin được giao dịch trong ngày 25/5 dao động quanh mức 30.000 USD, giảm hơn 60% so với mức đỉnh gần 68.000 USD thiết lập vào tháng 11 năm ngoái.
Ông Minerd đưa ra dự báo trên trong cuộc phỏng vấn với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là một cú sốc lớn với Bitcoin và thị trường tiền số nói chung, trong bối cảnh một tháng qua, thị trường tiền số đã bốc hơi hơn 500 tỷ USD vốn hóa, riêng Bitcoin đã mất 24% giá trị trong vòng 30 ngày qua.
Giám đốc đầu tư của Guggenheim thì buông ra những lời thậm tệ hơn khi nhận định, các loại tiền số trên thị trường đều là “rác”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, hiện chỉ có Bitcoin và Ethereum có thể sẽ sống sót
“Hầu hết những loại tiền số này đều không phải tiền tệ mà là rác. Tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa thấy một đồng tiền thống trị thế giới tiền số”, ông nói.
Còn bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, tái khẳng định, tiền số không có bất kỳ giá trị nào. Bà nhìn nhận, những đồng tiền có giá trị đều dựa trên một tài sản đảm bảo. "Thật sự, theo đánh giá một cách khiêm tốn của cá nhân tôi, tiền điện tử chẳng có giá trị gì", bà Lagarde nói về tiền điện tử trong talk show “College Tour”, được phát sóng ngày 22/5.
Không những vậy, bà Lagarde kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đưa ra các quy tắc để bảo vệ các nhà đầu tư đã đặt cược vào tài sản mã hõa này.
Bắt đáy trong cơn hoảng loạn
Khi khủng hoảng tiền số Luna xảy ra đầu tháng 5 đã gây chấn động giới đầu tư tiền số trên toàn thế giới. Vốn hóa của Luna đang từ 36 tỷ USD bốc hơi 96%, còn 2,7 tỷ USD chỉ trong vài ngày. Sự “sụp đổ” của Terra bắt nguồn từ việc đồng stablecoin - thuật toán UST của hệ sinh thái - bị mất mốc giá trị 1 USD trong thời gian dài.
Vốn dĩ, Luna nằm trong 10 đồng tiền mã hóa uy tín và lớn nhất thế giới. Sự sụp đổ này không những làm các nhà đầu tư đang nắm giữ đồng Luna bị mất trắng, mà niềm tin vào thị trường tiền số nói chung của nhà đầu tư cũng bị mất theo.
Ngay sau sự cố Luna, sự hoảng loạn cũng nhanh chóng lan rộng ra toàn thị trường. Đơn cử như Tether, đồng tiền điện tử lớn thứ ba theo giá trị vốn hóa thị trường, cũng rơi vào khủng hoảng khi khi giá trị của nó giảm từ 1 USD xuống 0,95 USD. Lý do là bởi, những người gửi tiết kiệm lo ngại rằng nó có thể bị sụp đổ ngay sau đồng Luna, do các nhà đầu tư đã rút khoản tiền tiết kiệm trị giá 7,6 tỷ USD bằng đồng stablecoin Tether.
Kể từ khi sự cố Luna, nhiều người còn quay lưng, thậm chí còn "sỉ vả" vào thị trường tiền số. Họ cho rằng, tiền số đã đến thời kỳ suy thoái, có thể sụp đổ hoàn toàn. “Sự thất bại của Luna thực sự là một lời cảnh tỉnh về việc giá tiền kỹ thuật số có thể rơi xuống mức 0”, Ran Neuner - nhà giao dịch tiền kỹ thuật số nổi tiếng - nhận định.
Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng thị trường tiền số sẽ sớm qua thời kỳ khủng hoảng. Thực tế, hàng trăm tỷ USD vẫn đang giao dịch trên toàn thị trường. Chỉ tính riêng sàn Binance, trong 24h qua, khối lượng giao dịch đạt 76 tỷ USD.
Tại Hàn Quốc, quê hương của đồng Luna, làn sóng bắt đáy vẫn đang diễn ra, bất chấp đồng tiền này vẫn lao dốc.
Một nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tin tưởng đồng Luna có thể hồi sinh sau khi chia sẻ trên mạng xã hội Naver của Hàn Quốc: “Luna từng là một đồng tiền lớn có giá trị vốn hóa hàng đầu thị trường, vì vậy các nhà phát triển sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hồi sinh nó”.
Còn ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư thường xuyên theo dõi những biến động của đồng Luna: “Tôi vẫn theo dõi, nếu giá Luna còn lao dốc, có thể là cơ hội tiếp tục bắt đáy”, anh Lê Cảnh Lâm, một nhà đầu tư tiền số, cho hay.
Ngọc Cương