Nông dân lãi gấp đôi 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, HTX có 96 thành viên đang thực hiện thí điểm 30ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Kết quả cho thấy, giá thành sản xuất giảm 30% so với trước. 

“Tôi tính giá thành sản xuất cao nhất là 3.700 đồng/kg lúa, trong khi nông dân bán lúa với giá 8.500 đồng/kg”, ông Hùng báo tin vui.

Đồng Tháp.jpg
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX Thắng Lợi, (bên phải) trao đổi cùng Phó Thống đốc Đào Minh Tú và đoàn công tác. Ảnh: Thanh Thuỷ.

Đại diện HTX cho biết, khi chưa có mô hình liên kết, nông dân phun thuốc trừ sâu đến 7-8 lần/vụ, nhưng giờ số lần phun chỉ còn 3-4 lần/vụ, qua đó giảm chi phí sản xuất và mức độ gây hại cho môi trường.

Ông Võ Văn Hải, xã viên HTX Thắng Lợi, kể rằng đây là vụ thứ hai gia đình ông tham gia liên kết thí điểm đề án. Hiệu quả thấy rõ khi giá thành sản xuất giảm, thu nhập của gia đình tăng thêm.

“Nhà nước hỗ trợ rất nhiều cho xã viên trong giai đoạn thí điểm. Chúng tôi được cung cấp giống và phân bón và được hỗ trợ 50% thuốc trừ sâu, được ngân hàng cho vay vốn lãi suất ưu đãi. Đây là động lực để nông dân chúng tôi mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm vật tư, máy móc”, ông Hải chia sẻ.

Ông Trương Hoà Thuận, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Phước Thảo (Trà Vinh), cho biết, HTX có 38 thành viên tham gia với quy mô 50ha lúa chất lượng cao. Thời gian qua, HTX hoạt động với quy mô khép kín với một số dịch vụ chính như: cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV, dịch vụ máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm, máy sấy, thu mua lúa,... Thu nhập của xã viên luôn cao hơn so với bên ngoài từ 18-20%. 

Cũng theo ông Thuận, từ năm 2014 đến nay, các thành viên HTX chủ yếu dựa vào vốn vay Agribank và chưa có trường hợp nào không trả được nợ.

Từ việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, vụ hè thu năm 2024 chi phí sản xuất của xã viên HTX Phước Thảo giảm khoảng 3,61 triệu đồng/ha. Lượng lúa giống sử dụng giảm khoảng 60%. So với tập quán canh tác trước đây, số lần phun thuốc trừ sâu giảm ít nhất hai lần/vụ lúa. 

“Nhờ áp dụng quy trình canh tác mới, lúa ít bị sâu bệnh, tỷ lệ hạt mẩy cao, cây lúa không bị đổ ngã, năng suất lúa đạt trung bình 6,6 tấn/ha, tăng khoảng 6% so với trước đây. Lợi nhuận của mô hình tăng thêm khoảng 20% so với ngoài mô hình, tương đương tăng 63 triệu đồng/ha. Lượng phát thải giảm khoảng 30% so với bên ngoài mô hình, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển theo hướng bền vững”, đại diện HTX Phước Thảo nói.

Lúa gạo ĐBSCL.jpg
Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang chăm sóc lúa. Ảnh: Tuân Nguyễn.

1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ là cứu cánh của ĐBSCL

Trao đổi với đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước, đại diện doanh nghiệp thu mua lúa gạo, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An) - ông Phạm Thái Bình cho biết, lúa gạo luôn luôn là mặt hàng chiến lược, là câu chuyện của thời đại. 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ là cứu cánh của ĐBSCL.

Trung An đang xây dựng thêm nhà máy quy mô lớn tại Cần Thơ nên cần ngân hàng cho vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa cho nông dân, đồng thời cho vay trung dài hạn để đầu tư máy sấy lúa, khu chứa lúa, cơ cấu thời hạn trả nợ.

Là người có 30 năm lăn lộn với thị trường lúa gạo, ông Phạm Thái Bình khẳng định: "Chỉ cần ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp lúa gạo và các HTX vay 4-5 tỷ USD từ nay đến năm 2030 thì chúng ta không chỉ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo đạt 4-6 tỷ USD như hiện tại, mà đảm bảo sẽ thu về 10 tỷ USD”.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để hiện thực hóa cũng như cụ thể hóa Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đến năm 2030, câu chuyện là triển khai như thế nào để giúp cho các đối tượng tham gia vào chuỗi liên kết được thụ hưởng chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng ưu đãi. 

Công ty Trung An.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao đổi cùng ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Công ty gạo Trung An, khi đang khảo sát xưởng chế biến gạo của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Thuỷ.

Trao đổi với các HTX và doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú khẳng định, việc cho vay theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho HTX mà người thụ hưởng trước hết là các xã viên. 

“Thứ nhất, lãi suất thấp hơn tối thiểu 1%/năm; thời hạn cho vay phù hợp với thời hạn sản xuất mùa vụ; điều kiện về thủ tục vay cũng giảm bớt, không cần tài sản thế chấp; có hạn mức tương đối ổn định cho một chu trình sản xuất. Hơn nữa, ngân hàng cũng không lo mất vốn khi cho vay theo chuỗi liên kết. Với mô hình này, cơ chế này, nông dân được hưởng lợi ích đầu tiên”, Phó Thống đốc nói.

Đại diện NHNN cho rằng nếu thực hiện tốt các chính sách đã được đặt ra, các chủ thể tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ được thụ hưởng ưu đãi rất lớn. Đây cũng là điều kiện có tính chất quyết định cho việc đảm bảo tính lâu dài, ổn định và bền vững của việc liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư ban đầu đến khâu trồng trọt, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Là ngân hàng chủ lực tham gia đề án, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, thông tin, ngân hàng đã hướng dẫn các chi nhánh tại 12 tỉnh thành ĐBSCL sẵn sàng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho chương trình 1 triệu ha lúa với lãi suất thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường và nhiều ưu đãi khác.

“Thời gian tới, chúng tôi cam kết triển khai, trước mắt thí điểm 30.000 tỷ đồng cho chương trình này, đồng thời không hạn chế quy mô”, vị tổng giám đốc Agribank cam kết.