Từ loại cây mọc hoang ven đường

Cà gai leo là loại cây dại thường mọc vệ đường hoặc các bờ bụi, thân cây có nhiều gai, cành xòe rộng, lá hình trứng hoặc thuôn dài, phần thân dài từ 60-100cm hoặc cao hơn.

{keywords}
Trồng cây cà gai leo làm dược liệu, mang lại giá trị kinh tế cao

Cây cà gai leo trước kia mọc hoang đầy vệ đường nay trở thành cây dược liệu có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là về các bệnh liên quan đến gan. Tại nhiều địa phương, trồng cà gai leo đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng ngô, khoai, lạc...

Anh Bùi Quý Hợi, Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp Bảo Hiệu (xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) cho biết, cà gai leo là cây dược liệu rất phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở địa phương mình. Nhờ đầu ra khá ổn định nên sau thời gian tìm hiểu, từ năm 2016 anh Hợi quyết định khởi nghiệp với cây cà gai leo.

Cây cà gai leo ưa sáng, sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng, thích hợp với trồng ở đất pha cát giàu dinh dưỡng.

Hoa cây cà gai leo có màu phớt tím, thường ra hoa vào tháng 4-9, tạo quả vào tháng 9-12. Quả cà gai leo màu đỏ, dạng mọng bóng, quả có vị hơi the, tính ấm. Cây được nhân giống bằng hạt, trồng 1 lần có thể cho thu hoạch 3-4 năm.

Qua nhiều năm trồng tại một số địa phương như Hòa Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên,… cho thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây làm dược liệu này cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác trên một đơn vị diện tích.

Mỗi năm, cà gai leo có thể thu hoạch được 3 vụ, mỗi ha cho năng suất khoảng 2 tấn/vụ, mang lại thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2-3 lần so với ngô, lạc ....

Tuy nhiên, thân cành cà gai leo có rất nhiều gai răm sắc nhọn, cản trở các thao tác kỹ thuật (làm cỏ, bón phân, thu hoạch, sơ chế). Đây chính là điểm làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới quá trình canh tác cà gai leo theo hướng hữu cơ.

Theo anh Hợi, đây là một loại cây có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là về các bệnh liên quan đến gan. “Cà gai leo là một loại cây khá dễ trồng, ít bị sâu bệnh và phát triển quanh năm. Trung bình trồng khoảng 3 tháng là có thể thu hoạch được, với 10ha thì mỗi lần thu hoạch được khoảng trên dưới 10 tấn cà gai leo khô” anh Hợi chia sẻ.

Mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm

Đến nay, bình quân mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường hơn 20.000 hộp sản phẩm cao cà gai leo, gần 10.000 hộp trà cà gai leo và hơn 50 tấn cà gai khô cho các công ty dược trong và ngoài nước.

{keywords}
Cây cà gai hiện được trồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước

Gần 3 năm phát triển sản xuất, hiện HTX có 12 hộ thành viên, thu hút 20 lao động, liên kết với 2 tổ hợp tác (THT) và 200 hộ tham gia, bảo đảm thu nhập bình quân của mỗi thành viên đạt gần 10 triệu đồng/tháng, thu nhập của thành viên THT và các hộ tham gia liên kết đạt 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Hệ thống phân phối sản phẩm của HTX đã xuất bán trên phạm vi cả nước, đặc biệt, sản phẩm cao cà gai leo của HTX đã đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Quý, Giám đốc HTX Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), tuy đã ở tuổi 70 nhưng mỗi năm vẫn làm ra lợi nhuận hơn 500 triệu đồng, từ trồng và chế biến cây thuốc nam cà gai leo.

Nhờ lợi nhuận từ cây này, hiện HTX của ông Quý không ngừng thuê thêm ruộng, mở rộng diện tích trồng, tạo thêm dòng sản phẩm mới. Ngoài các sản phẩm cao cà gai leo, trà túi cà gai leo, HTX đang phát triển để sản xuất viên nang cà gai leo, và mở rộng thị trường cung ứng ra toàn quốc, kết hợp chào hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nước EU.

{keywords}
Cây cà gai sấy khô

Không chỉ Hòa Bình và Hưng Yên, tại Thanh Hóa cũng có nhiều hộ đã làm giàu từ giống cây này.

Nhận thấy cà gai leo là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và là giống cây tái sinh sau khi thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa)  đã phát triển mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo. Một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn thuê đất, phát triển trồng cà gai leo với diện tích lớn, đồng thời là đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Cây cà gai leo của xã Hà Tiến sau khi thu hoạch, ngoài tiêu thụ tại hệ thống chợ trong tỉnh, sản phẩm cà gai leo phơi khô còn được tiêu thụ qua các công ty dược phẩm. Theo tính toán của các hộ dân, thu nhập từ trồng cà gai leo đạt khoảng 400 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, mô hình mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Theo Đông y Việt Nam, tác dụng chính của cà gai leo là hỗ trợ điều trị các bệnh về gan (men gan cao, gan nhiễm mỡ, viêm gan, u gan). Uống trà hoặc cao cà gai leo mỗi ngày, sẽ giúp thải độc cơ thể, ngăn ngừa mụn nhọt, dị ứng, trứng cá, cảm cúm, ho gà, giã rượu, bia và chống say tàu xe.

(Theo Dân Việt)