Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á châu của nhà ông Trần Hùng Huy vẫn trên đà tăng giá sau khi đã bứt phá khoảng 60% kể từ mức 17.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 (giá điều chỉnh) lên mức 27.300 đồng/cp như hiện tại.

Với hơn 2,16 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức tăng giá trên đã giúp các cổ đông của ACB có thêm khoảng 1 tỷ USD, nâng tổng vốn hóa của ngân hàng này lên hơn 59 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 2,5 tỷ USD).

Nhà ông Trần Hùng Huy ghi nhận khối tài sản tăng lên tương ứng theo tốc độ tăng giá của cổ phiếu ACB. Chủ tịch Trần Hùng Huy hiện nắm giữ 3,43% cổ phần tại ACB. Mẹ ông Hùng Huy là bà Đặng Thu Thủy hiện là thành viên HĐQT ACB. Trong khi đó, bố ông Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng đã nghỉ.

Sở dĩ cổ phiếu ACB tăng mạnh là bởi ngân hàng này tiếp tục ghi nhận hoạt động tốt, vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giống như phần lớn ngân hàng khác. Bên cạnh đó, câu chuyện chuyển lên sàn chứng khoán TP.HCM và thương vụ hợp tác với hãng bảo hiểm Sun Life... thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Theo thỏa thuận độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ 15 năm với Sun Life, ACB nhận được một khoản phí trả trước khoảng 370 triệu USD. Tuy nhiên, đây là mức phí ban đầu. Trên thực tế, số tiền một ngân hàng nhận được theo các thỏa thuận hợp tác kiểu này thường cao hơn nhiều lần.

Sau khi chuyển lên sàn HOSE, ACB lọt vào một số rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead,... qua đó hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài.

{keywords}
Ông Trần Hùng Huy, chủ tịch ACB.

Sau một thời kỳ cấu trúc lại nợ khá mạnh mẽ, các ngân hàng chứng kiến sự búng nổ trở lại với lợi nhuận tăng mạnh, nợ xấu giảm nhanh khiến cổ phiếu nhóm này thăng hoa.

Kết quả tốt cùng với các quy định mới khiến các ngân hàng dồn dập đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm nay. Trước đó, LienVietPostBank đã trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết thành công trên HOSE trong 2020. Ngay sau đó, hơn 924 triệu cổ phiếu của VIB chính thức giao dịch trên HOSE từ ngày 10/11 với giá tham chiếu 32.300 đồng/cp.

Theo kế hoạch, ngoài ACB, còn có SHB, SeABank, OCB, MSB sẽ lên HOSE trong năm nay với nhiều tỷ cổ phiếu sẽ ra mắt các nhà đầu tư trên một sân chơi mới.

Nhiều ngân hàng nhỏ cũng đăng ký giao dịch thành công trên Upcom từ đầu năm đến nay, như BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank), SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)...

ACB là ngân hàng khá nổi tiếng trước đây, gắn liền với cái tên Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên).

Gần đây, tại ACB vẫn có những thương vụ nghìn tỷ có nét giống với những gì Bầu Kiên làm cách đây gần 1 thập kỷ. Cuối 2019, Công ty Hồng Hoàng phát hành trái phiếu thu về 1.400 tỷ đồng. Nhiều khả năng, Hồng Hoàng sau đó đem số tiền này mua cổ phiếu ACB, rồi dùng số cổ phiếu này cầm cố cho chính lô cổ phiếu phát hành.

Hồng Hoàng được biết là một doanh nghiệp có manh mối liên hệ tới các công ty trong gia đình nhà ông Trần Huy Hùng, chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, con trai của ông Trần Mộng Hùng - một đại gia ngành ngân hàng nổi tiếng dưới thời ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) cầm trịch tại ACB. Doanh nghiệp này từng đặt trụ sở tại tòa nhà ACB ở Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3.

Trước đó, đầu 2019, những người liên quan tới ông Trần Hùng Huy đã nhiều thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu, tổng cộng gần 52 triệu cổ phiếu, sang cho các công ty riêng và được giải thích là “cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình, không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào".

Đầu tháng 3/2019, ông Trần Hùng Huy đã mua 3,8 triệu cổ phiếu ACB, trị giá khoảng hơn 115 tỷ đồng. Ông Huy hiện nắm giữ hơn 43,8 triệu đơn vị, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 3,4% tại ngân hàng.

Trong tháng 2/2019, theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), người nhà ông Trần Hùng Huy chuyển nhượng xong 51,7 triệu cổ phiếu ACB từ 3 cá nhân sở hữu sang 3 tổ chức.

Nguyên chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng chuyển nhượng gần 23 triệu cổ phiếu. Chị ruột và em ruột ông Trần Hùng Huy là bà Trần Đặng Thu Thảo và ông Trần Minh Hoàng bán số cổ phiếu lần lượt hơn 16 triệu cổ phiếu và 12,7 triệu cổ phiếu. Bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là các doanh nghiệp được thành lập trước đó vài tháng, hồi tháng 11/2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 7/12, chỉ số VN-Index quanh mốc 1.020 điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo lạc quan.

Theo BVSC, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.028-1.035 điểm. Tuy nhiên, đây là vùng cản được BVSC đánh giá có thể sẽ khiến chỉ số gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh khi lần đầu tiếp cận. Ngược lại, vùng 985-990 điểm hiện tại sẽ trở thành vùng hỗ trợ có tính quyết định đến việc duy trì xu thế tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn. Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể sẽ bắt đầu có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng nhiều để tìm kiếm lợi nhuận.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/12, VN-Index tăng 1,69 điểm lên 1.021,49 điểm; HNX-Index tăng 0,5 điểm lên 152,489 điểm. Upcom-Index giảm 0,41 điểm xuống 68,61 điểm. Thanh khoản đạt 12,0 nghìn tỷ đồng.

V. Hà