Sáng 6/3, tại trụ sở Công an TP.HCM đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp TP.HCM và Công an TP.HCM trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

tro giup phap ly 4570.jpg.webp
Buổi lễ ký kết trực trợ giúp pháp lý

Chủ trì lễ ký kết có Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM và ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.

Chương trình nhằm triển khai kịp thời Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Bảo đảm tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng hình sự cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã (viết tắt là người bị bắt); người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý, được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác.

Mục đích của chương trình nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả các quy định về tố tụng hình sự, nhất là quyền của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc, vụ án hình sự.

Ngoài ra, chương trình được thực hiện để tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp TP.HCM) với cơ quan điều tra Công an nhân dân, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam Công an TP.HCM, nhà tạm giữ công an cấp huyện, công an cấp xã trên địa bàn TP.HCM về thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong giai đoạn giải thích, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý… Chương trình này bắt đầu thực hiện kể từ ngày kí 6/3/2024.

Phát biểu tại buổi ký kết, Thiếu tướng Mai Hoàng cho hay, sự tham gia sớm của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình điều tra các vụ án hình sự giúp người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố yên tâm hơn, hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Qua đó, góp phần giúp các điều tra viên điều tra vụ án được khách quan, nhanh chóng và cũng góp phần nâng cao chất lượng điều tra viên cũng như các mặt công tác điều tra của Cơ quan điều tra Công an TP.HCM.

Cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp

Cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý là khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã gọi điện thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực; cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.

Người trực hoặc người hỗ trợ trực có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về thời gian tiếp nhận người báo tin về người được trợ giúp pháp lý vào Sổ trực trợ giúp pháp lý; đồng thời liên hệ ngay với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Trong trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.

Còn nếu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam và không thuộc trường hợp quy định người bào chữa từ khi kết thúc điều tra theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực phối hợp với Điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ để kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý.