Tính mạng là vốn quý nhất của con người, nhưng khi đã vào bệnh viện, bệnh nhân ủy thác toàn bộ tài sản vô giá này cho cán bộ y tế. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của mọi cơ sở y tế, mọi thầy thuốc.
Tuy nhiên thực tế, dù khoa học có phát triển đến đâu, người bệnh vẫn phải sử dụng thuốc, vẫn dùng hóa chất, vẫn phải tiêm, phẫu thuật... Chưa kể các bác sĩ tại các bệnh viện thường xuyên phải chịu áp lực do quá tải, căng thẳng về tâm lý vì người bệnh tuyến dưới đổ lên quá đông. Do đó tai biến y khoa, nhiễm trùng là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt tỉ lệ nhiễm trùng bệnh viện đang là thách thức lớn cho các bệnh viện vì tỉ lệ nhiễm khuẩn ngày càng cao, làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí chăm sóc bệnh.
Vậy ngành y tế có giải pháp như thế nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tai biến, nguy cơ xảy ra? Làm sao để chất lượng bệnh viện ngày càng được nâng cao để người dân có thể tin tưởng khám bệnh ngay tại tuyến dưới?
Để giải đáp những băn khoăn của dư luận, báo VietNamNet tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: "An toàn người bệnh - chất lượng bệnh viện".
Khách mời:
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Bà Hoàng Thị Bảo Hương- Phó Tổng biên tập báo VietNamNet tặng hoa khách mời, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. |
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
Nguyễn Văn Tín , Nam - 32 Tuổi
Xin hỏi, chính xác là bao lâu ngành y tế mới phát triển cũng như đạt yêu cầu của các nước phát triển? Với tình trạng 2-3 bệnh trên 1 giường, hoặc 1 phòng lưu bệnh dịch vụ giá gần 2 triệu đồng/ bệnh nhân nhi (BV Nhi đồng, Q1) liệu là phù hợp hay là buộc phải như thế?
Ông Nguyễn Trọng Khoa:Trước hết cám ơn câu hỏi của độc giả Nguyễn Văn Tín. Việt Nam mới thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Với chi phí y tế bình quân năm/đầu người ở VN mới chỉ đạt xấp xỉ 100USD (2012). Với xuất phát điểm thấp như vậy, chúng ta còn phải mất 1 thời gian dài nữa mới có thể bẳng được các mức chi y tế ở các nước phát triển hiện nay.
Tình trạng nằm ghép 2 người 1 giường trên thực tế chỉ xảy ra ở 1 số bệnh viện tuyến cuối. Ngành y tế đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp giảm quá tải bệnh viện và cũng đã có kết quả bước đầu. Trong đó hầu hết các bệnh viện tuyến cuối thuộc bộ y tế và trực thuộc TPHCM đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép. Đề án bệnh viện vệ tinh đang phát huy hiệu quả giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới giúp giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Nhờ đó cùng với nhiều biện pháp khác tình trạng nằm ghép cũng đã giảm hẳn nhưng sẽ còn phải mất 1 thời gian nữa mới có thể giải quyết được.
Để đáp ứng với giải quyết tình trạng nằm ghé, 1 số bệnh viện đã thực hiện liên doanh liên kết hoặc vay vốn đầu tư xây dựng các khu điều trị theo yêu cầu. Vì vậy để hoàn vốn các bệnh viện này phải đưa ra mức thu phí đưa ra mức của Bộ Y tế quy định, do phải tính cả chi phí đầu tư. Hiện tượng độc giả nêu là phản ánh đúng thực tế hiện nay ở 1 số bệnh viện tuyến cuối.
Toàn cảnh buổi giao lưu |
Đặng Thế Quyết , Nam - 29 Tuổi
Tình trạng BV điều trị: Không kết quả - Thiệt hại đến cả tính mạng bệnh nhân nhưng kết luận chỉ là cá nhân BS hay Y tá sai. ? Vậy trách nhiệm quản lý ở đâu? Trong khi lương cấp quản lý luôn có phụ cấp "Trách nhiệm".
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Độc giả Đặng Thế Quyết đã đặt ra vấn về mà hiện nay Bộ Y tế đang có quan điểm chỉ đạo trong việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra những sai sót, sự cố y khoa.
Theo các nghiên cứu khi xảy ra 1 tai biến y khoa có đến 70% là do lỗi hệ thống, chỉ khoảng 30% là do lỗi cá nhân. Vì thế khi xem xét 1 sự cố y khoa phải có đánh giá phân tích toàn diện và đặc biệt chú ý đến các lỗi mang tính chất hệ thống, trong đó có những yếu tố mang tính khách quan (ví dụ điều trị 1 số bệnh có khoảng an toàn hẹp) và 1 số yếu tố mang tính chủ quan liên quan đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ cán bộ, cách phối hợp thực hiện.
Và trách nhiệm quản lý ở đây liên quan đến lỗi hệ thống chủ quan. Vì vậy theo luật khám bệnh chữa bệnh và Nghị định 102 của Chính phủ có quy định các vấn đề liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh. 1 số trường hợp tuy không trực tiếp gây ra tai biến (ví dụ vụ tiêm nhầm vắc-xin ở Quảng Trị, cán bộ quản lý lãnh đạo cũng chịu trách nhiệm liên đới).
Phùng Thuý Nga , Nữ - 38 Tuổi
Để an toàn người bệnh, chất lượng đội ngũ y, bác sĩ là vô cùng quan trọng. Vậy xin được hỏi Cục phó Cục KCB, những năm qua chất lượng đội ngũ này đã có chuyển biến như thế nào? Có còn tình trạng chảy máu chất xám ở các bệnh viện tuyến dưới, hễ giỏi là họ lên hết tuyến trên?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Cảm ơn những ý kiến đánh giá của độc giả Phùng Thúy Nga. Hiện tượng này là hoàn toàn có thật. Đây là 1 vấn đề không chỉ gặp ở VN mà ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở nước phát triển hay đang phát triển.
Có thể coi đây là 1 xu thế tất yếu, cán bộ y tế có năng lực trình độ thường muốn đến nơi có điều kiện làm việc tốt nhất, có cơ hội học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học để vươn tới những đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Vì thế các nước cũng đã áp dụng nhiều chính sách để khắc phục hiện tượng này. VN cũng đang áp dụng 1 số chính sách thu hút cán bộ có năng lực chuyên môn tốt về làm việc ở các bệnh viện tuyến dưới.
Chính sách này được áp dụng tùy theo khả năng, điều kiện của từng địa phương. Ngoài ra chúng ta còn đang áp dụng chế độ luân phiên cán bộ y tế, chính sách đưa bác sĩ trẻ, khá giỏi về các huyện nghèo. Nhiều địa phương đã có sáng kiến và chế độ thu hút khá mạnh như cấp đất, cấp nhà, hỗ trợ thêm phụ cấp và các khoản học phí học tập nâng cao trình độ, nhờ đó thu hút được nhiều thấy thuốc giỏi về làm việc.
a3 Ông Nguyễn Trọng Khoa đang trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc VietNamNet
Đỗ Văn Tiến , Nam - 43 Tuổi
Vợ tôi mổ ruột thừa tại BV Thống Nhất có BHYT. Chi phí ra viện 5 triệu (chưa trừ bảo hiểm y tế). Người cùng phòng không BHYT chi phí hết 8 triệu. Như vậy có phải là người không sử dụng BHYT được sử dụng thuốc tốt hơn hay không mà chi phí đắt hơn. Người sử dụng BHYT được sử dụng thuốc thường và rẻ hơn hay không.? (hiện nay vợ tôi đang bị nhiễm trùng, mà cho uống kháng sinh nhẹ và cho về nhà. Và phải đi cấp cứu ở BV khác.) Xin cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Trường hợp độc giả nêu không phải bản chất người bệnh BHYT dùng thuốc rẻ hơn mà do 2 người bệnh có bệnh khác nhau, cơ địa khác nhau nên dùng thuốc khác nhau. Việc chỉ định điều trị không phụ thuộc việc bệnh nhân dùng thẻ BHYT tế hay không mà phụ thuộc bệnh, việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn chung của Bộ y tế.
Đặng Đức Hùng , Nam - 31 Tuổi
Tôi là người làm trong ngành y nhưng tôi thấy với cơ chế trả lương như hiện nay rất khó để chúng tôi tâm huyết với nghề. Chúng ta luôn nói làm hài lòng người bệnh nhưng không thấy nói làm hài lòng nhân viên y tế. Đội ngũ này có hài lòng thì mới chăm sóc bệnh nhân được tốt chứ?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Cảm ơn độc giả Đặng Đức Hùng đã nêu 1 vấn đề rất thực tiễn hiện nay. Với 1 thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì việc tăng lương cho thầy thuốc không phải đơn giản. Quan điểm của Bộ y tế là nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới hài lòng người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Ngoài ra Bộ y tế cũng rất chú ý đến hài lòng của nhân viên y tế. Bộ y tế cũng đã có những quy định đánh giá hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế, sự hài lòng đó không chỉ thể hiện ở mức lương và thu nhập mà còn đánh giá những điều kiện khác như môi trường làm việc, sự quan tâm của lãnh đạo đến đời sống nhân viên... những nội dung này cũng đã được đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
Diệu Thuý , Nữ - 25 Tuổi
Em đã đi khám ở bệnh viện Tai Mũi Họng (và một số bệnh viện công khác), thì thấy họ khám rất sơ sài. Nhiều lần khác em đã sử dụng khám dịch vụ nhưng bác sĩ chỉ hỏi han sơ và khám qua loa. Thực sự em rất lo lắng vì chẳng may họ khám sai hay cho thuốc không đúng thì vừa mất tiền, vừa kéo dài bệnh ra, càng làm bệnh tình thêm nặng. Vậy ngành y có quy định phải khám tối thiểu bao lâu và quy trình khám thế nào không?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Cảm ơn độc giả Diệu Thúy đã nêu hiện tượng này. Thực tế việc khám chính xác hay không tùy thuộc và năng lực chuyên môn của thầy thuốc. Về thời gian khám bệnh còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như áp lực số người bệnh khám trong buổi. Bộ Y tế đã ban hành quy trình hướng dẫn khám bệnh ở bệnh viện theo quyết định sô 1313 đã đưa ra nhiều giải pháp cải tiến quy trình nhằm giảm thời gian chờ và tăng thời gian thầy thuốc trực tiếp thăm khám cho người bệnh. Hướng dẫn của Bộ y tế cũng đưa ra chỉ tiêu giai đoạn 2015 tối đa bàn khám cho 50 người bệnh trên 1 buổi, đến 2020 sẽ rút xuống chỉ còn 35 người bệnh trên 1 buổi.
Văn Đức , Nam - 38 Tuổi
Một lần con tôi về quê (Hà Tĩnh) bé bị viêm họng, viêm phế quản, viêm A => co giật nhập viên ở BV Sản - Nhi Nghệ An. Tôi quan sát thấy BV làm việc rất chủ quan: 1 khoá có khoảng 50 bé, hôm nào tiêm cũng lùa vào một mớ như gà vịt, bé nào cũng tiêm như bé nào. Tôi là người không làm việc liên quan gì đến ngành này nhưng tôi thấy rất vô lý, nguyên cả khoa tiêm một loại kháng sinh ngày hai lần, hỏi bs thì bảo là cứ tiêm một loại kháng sinh đủ 7 ngày là khỏi. Vậy bệnh viện này làm như vậy có đúng không?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Việc độc giả Văn Đức nêu chúng tôi xin ghi nhận và sẽ có yêu cầu chỉ đạo bệnh viện làm rõ nội dung này. Tuy nhiên nếu cả khoa cùng tiêm 1 loại kháng sinh này ngày hai lần thì về mặt chuyên môn là không ổn. Chúng tôi sẽ yêu cầu Sở y tế Nghệ An kiểm tra lại sự việc.
Nguyễn Văn Tuấn , Nam - 43 Tuổi
Theo tôi thấy hầu hết trong việc bố trí phòng trực của BS tại các bệnh viện nhất là BV tỉnh, đều dành riêng cho BS trực 1 phòng độc lập để ngủ, nghỉ, khi nào có bệnh nhân cần tới BS thì điều dưởng gọi BS mới mở cửa đến thăm khám. Việc điều dưỡng gọi cửa kêu BS cũng có rất nhiều hệ lụy, thích thì mở cửa không thì thôi, hoặc mở cửa nhưng tỏ vẻ khó chịu, bực mình...lây sang cả bệnh nhân cần được sự thăm khám của BS. Phòng có khóa, nếu của kính thì dán decal che kín. BS trực sau khi thăm khám chiếu lệ, hoặc theo lịch là về phòng ngủ hoặc nghỉ lấy sức để trưa, chiều về phòng mạch tư khám riêng. Việc bố trí phòng riêng cho BS là đúng nhưng có nên chăng cần có yêu cầu tất cả các Bệnh viện trên toàn quốc không được che kín phòng này để tránh việc lạm dụng giờ công để ngủ lấy sức dành cho khám tư?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Ý kiến của độc giả Nguyễn Văn Tuấn tôi cho rằng có thể gặp ở 1 số bệnh viện, đây là những nơi vẫn áp dựng chế độ thường trực 24/24h. Đây là việc bất đắc dĩ ngành y phải thực hiện vì không đủ nhân lực làm việc theo ca. Vì vậy thầy thuốc trực phải đảm nhiệm nhiệm vụ 24h trong ngày.
Về mặt sinh lý điều này là không khoa học, vì vậy bố trí buồng trực cho thầy thuốc nhằm ngoài những thời gian chăm sóc bệnh nhân có thời gian ngắn nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên khi nghỉ như vậy vẫn luôn luôn phải sẵn sàng trong tư thế phục vụ người bệnh bất kể thời gian nào. Vấn đề này cũng được quy định cụ thể trong quy chế thường trực, cấp cứu.
Ngành y tế tiếp tục quan tâm đến ý kiến mà độc giả đã nêu. Nếu độc giả hoặc người dân thấy hiện tượng như vậy đề nghị phản ánh qua đường dây nóng của Bộ y tế qua số máy 19009095 để có những chấn chính kịp thời.
Lê Minh Thuỳ , Nữ - 47 Tuổi
Tôi có con gái đang học ngành y nên tôi cũng rất quan tâm đến chính sách của ngành. Vừa qua tôi thấy Bộ Y tế có phát động phong trào làm hài lòng người bệnh, trong đó đưa ra cả bộ ứng xử chi tiết phải chào hỏi như thế nào, tông giọng ra sao. Như vậy có chi tiết và áp đặt quá không, vì nhân viên y tế công việc chính là chuyên môn, giờ lại phải làm thêm cả những quy tắc giống như 1 lễ tân vậy nữa?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Cảm ơn độc giả Minh Thùy đã nếu ra băn khoăn của phụ huynh có con học ngành y. Làm thầy thuốc chỉ có chuyên môn không thôi thì chưa đủ, phải có kỹ năng của thầy thuốc như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tác phong chuyên nghiệp như vậy mới đáp ứng được yêu cầu cao của nghề nghiệp, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Vì vậy Bộ Y tế đang phát động phong trào đổi mới phong cách phụ vụ vì sự hài lòng của người bệnh là một dịp để các thầy thuốc nhìn lại các kỹ năng của mình khi thực hành nghề nghiệp, làm sao tạo được mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa thầy thuốc và người bệnh, nâng cao hình ảnh, uy tín của ngành y là 1 ngành đặc biệt, được cả xã hội tôn trọng.
Triệu Minh Hà , Nữ - 28 Tuổi
Tai biến y khoa là điều không tránh được nhưng những năm qua, Bộ Y tế có thống kê tỉ lệ tai biến y khoa tại VN để từ đó so sánh với thế giới? Những sai sót chuyên môn và sự cố y khoa phổ biến ở Việt Nam là gì? Tại sao những chuyện quên gạc, quên dụng cụ vẫn thường xuyên xảy ra trong khi đây là điều rất căn bản khi phẫu thuật?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Độc giả Triệu Minh Hà nêu vấn đề rất chính xác. Tai biến y khoa là điều khó tránh khỏi kể cả ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Hàn...Việt Nam chưa có những nghiên cứu chính thức về tỉ lệ này nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi sẽ không thấp hơn những nước phát triển.
Theo nghiên cứu của thế giới những sai sót chuyên môn xảy ra ở các lĩnh vực như sử dụng thuốc phẫu thuật, nhiễm khuẩn bệnh viện, người bệnh té ngã, tai nạn do tiêm, truyền hoặc nhầm lẫn người bệnh có theerxayr ra tương đối phổ biến. Việt Nam chưa có số liệu điều tra về vấn đề này nhưng chúng tôi dự đoán không nằm ngoài quy luật chung quốc tế đã thống kê. Ở những cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng quá tải, cơ sở hạ tầng thấp kém, trang thiết bị cũ, lạc hậu, không có hệ thống cảnh báo, trình độ chuyên môn kém, sự phối hợp giữa nhân viên y tế không tốt, trình độ nhận thực của người bệnh hạn chế thì ở đó tai biến dễ xảy ra.
Hiện tượng quên gạc, quên dụng cụ xảy ra sau phẫu thuật là có xảy ra. Lý do là quá trình kiểm soát chất lượng phẫu thuật chưa tốt. Ngoài ra còn có thể có những tai biến khác như phẫu thuật nhầm bên, nhầm vị trí, nhầm người bệnh nếu không áp dụng những quy trình nghiêm ngặt thì cũng có thể xảy ra. Bộ y tế đã chỉ đạo các bệnh viện triển khai các pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh trong đó có an toàn phẫu thuật đặc biệt chống nhầm lẫn người bệnh.
Bộ y tế cũng yêu cầu các bệnh viện áp dụng các bảng kiểm an toàn phẫu thuật, bảng kiểm trước phẫu thuật nhằm mục tiêu hạn chế những sự cố này, nhưng đôi khi vẫn có thể gặp, không thể loại trừ được hoàn toàn.
Đặng Hồng Nhâm , Nữ - 34 Tuổi
Sau nhiều năm, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những nước có tỉ lệ giường bệnh/1000 dân thấp nhất thế giới. Vậy mục tiêu kí kết không nằm ghép có khả thi không? Vì nếu ép quá, tôi e các bệnh viện họ sẽ chống chế không nhận bệnh nhân nữa, vì hết giường, họ cố nhận thì bị phạt.
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tỉ lệ giường bệnh của VN so với các nước trong khu vực ở mức trung bình, chứ không phải thấp. Để thực hiện cam kết không nằm ghép các bệnh viện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong đó quan trọng nhất là sàng lọc kỹ người bệnh đến khám, đủ điều kiện nội trụ mới cho nhập viện, nếu không sẽ điều trị ngoại trú; tăng cường chuyển tuyến trả lại từ tuyến trên cho tuyến dưới khi đã đảm bảo được điều kiện y tế; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho tuyến dưới. Với nhiều giải pháp đồng bộ như vậy mới có thể giải quyết phần nào tình trạng nằm ghép ở bệnh viện.Các bệnh viện tuyệt đối không vì ký cam kết không nằm ghép mà không cho bệnh nhân cần điều trị vào nội trú.
Thanh Hà , Nữ - 32 Tuổi
Thời gian qua, có hiện tượng nổi cộm là người nhà bệnh nhân và bệnh nhân hành hung BS. Vậy vấn đề ngược lại: Bộ Y tế quan tâm đảm bảo an toàn BS như thế nào? Vì có đảm bảo an toàn cho BS thì mới đảm bảo được an toàn người bệnh?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Không thể lấy bất cứ lý do nào để bệnh nhân hay người nhà có thể hành hung thầy thuốc, đây là việc làm đáng bị lên án. Bộ Y tế cũng đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã ký kết chương trình hợp tác với Bộ Công an trong việc đảm bảo an ninh, an toàn bệnh viện. Ngoài ra các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bộ và các địa phương cũng đã chủ động ký hợp tác, hỗ trợ với công an địa phương.
Bên cạnh đó Bộ y tế cũng đã đưa ra các nội dung rất cụ thể trong tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện về vấn đề an ninh bệnh viện, an toàn cho thầy thuốc, từ những giải pháp như tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngủ bảo vệ cho đến củng cố cơ sở hạ tầng, lắp camera giám sát, hệ thông cửa tư quản lý người nhà ra vào bệnh viện và 1 loạt các giải pháp khác... Nhiều bệnh viện tại khu vực cấp cứu đã bố trí bốt cảnh sát hỗ trợ.
Các khu vực cấp cứu luôn là điểm nóng vấn đề an ninh, an toàn bệnh viện, Đã từng xảy ra 1 số trường hợp các băng nhóm tội phạm, côn đồ truy sát đối tượng khác gây ra tình trạng mất an ninh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chuyên môn của thầy thuốc. Chúng tôi mong người dân khi gặp những tình huống như vậy tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn trật tự, an toàn, an ninh bệnh viện.
Trần Thúy Nga , Nữ - 33 Tuổi
Tôi thấy ngành y kí kết thay đổi thái độ phục vụ, nhưng tôi đi khám dạ dày hỏi mấy có câu, bác sĩ bảo hỏi gì hỏi lắm thế? Vậy liệu có phải chỉ là kí kết trên giấy tờ còn phía dưới làm như nào thì không có ai giám sát chăng?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Cách trả lời của nhân viên y tế theo như độc giả nêu là chưa được. Việc hỏi bệnh thăm khám, tư vấn là trách nhiệm của thầy thuốc và người bệnh có quyền được hỏi những gì liên quan đến bệnh tật của mình, thầy thuốc cần giành thời gian giải thích thỏa đáng cho câu hỏi đó, song trong điều kiện có quá đông bệnh nhân thì áp lực với thầy thuốc cũng không nhỏ, Bộ Y tế tiếp tục có các đợt tuyên truyền, giáo dục, đào tạo để nhân viên y tế thực hiện tốt quy tắc ứng xử, thực hiện đúng quy trình khám bệnh để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người bệnh.
Mạnh Tuấn , Nam - 28 Tuổi
Mẹ tôi khám vùng đáy mắt do biến chứng tiểu đường ở BV Mắt TƯ. Hôm đó, ngoài BS khám chính còn rất nhiều sinh viên thực tập do BS khám hướng dẫn ngồi soi mắt mẹ tôi. Kết quả soi quá nhiều khiến mắt bà mờ và khó chịu. Tôi muốn hỏi BS khám và sinh viên thực tập có quyền làm như thế không khi không hỏi ý kiến bệnh nhân trước. Và trong trường hợp này, mẹ tôi từ chối không cho sinh viên thực tập soi mắt thì có bị gây khó dễ trong việc khám chữa bệnh hay không? Xin cảm ơn
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Việc sinh viên thăm khám trong quá trình thực hành là rất cần thiết, vì nghề y là nghề thực hành, sinh viên cần học tập nâng cao kiến thức đẻ đảm bảo tay nghề khi ra trường tuy nhiên việc tổ chức, hướng dẫn sv thực tập cũng cần có phương pháp khoa học, không nên đểquá nhiều SV cùng thăm khám 1 người gây ảnh hưởng đến người bệnh. Trường hợp người bệnh thấy mệt, khó chịu nên mạnh dạn phản ảnh với bác sĩ hướng dẫn thực tập.
Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!
VietNamNet