Mời độc giả tham gia thảo luận cùng GSTS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) về bài học từ sự trỗi dậy của các nền kinh tế Đông Á cũng như cơ hội để Việt Nam vươn lên từ những thách thức hiện nay.

Nghe trực tuyến tại đây:


Vươn lên thịnh vượng có lẽ là khát vọng chung của mọi dân tộc. Cũng bởi thế, người ta vẫn mải miết đi tìm câu trả lời: Vì sao các quốc gia vốn cùng chung xuất phát điểm, cùng chia sẻ nhiều điểm tương đồng về văn hóa, chính trị xã hội lại đi theo các con đường phát triển và đạt đến các trình độ phát triển khác xa nhau như thế? Có thực đơn chính sách chung nào cho các quốc gia muốn thoát khỏi đói nghèo và đi tới phồn vinh hay không?

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Câu hỏi đó lại càng đau đáu đối với mỗi người dân Việt Nam khi nhìn ra xung quanh. Cách đây ít ngày, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chia sẻ trên Tuổi Trẻ:

"Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng".

{keywords}

Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Khương

Sự xót xa, trăn trở của vị lãnh đạo này rất đáng quý. Nếu cảm xúc đó được sự chia sẻ rộng rãi trong xã hội, rất có thể đó sẽ là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy ý chí cải cách. Bởi như  Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Khương đã từng chỉ ra bài học phát triển của các quốc gia châu Á trong cuốn sách mới nhất gây chú ý với tựa đề “The Dynamics of Economic Growth: Policy Insights from Comparative Analyses in Asia” (tạm dịch: Những động lực của tăng trưởng kinh tế: Góc nhìn chính sách từ các phân tích so sánh ở châu Á): Sự phát triển của một quốc gia từ nghèo đói đến thịnh vượng không phải là một tiến trình mang tính kỹ thuật mà là một sự chuyển đổi lớn lao. Nằm ở trung tâm sự biến đổi này là hai lực đẩy cơ bản – cảm xúc, liên quan đến khao khát, nỗi lo và cảm thức trách nhiệm; khai sáng, gắn liền với sự vượt thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều, cởi mở và tinh thần ham học hỏi.

Sẽ không quá lạc quan khi nhận định rằng cảm xúc đã bắt đầu lan tỏa đâu đó, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo. Trong thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn chỉ ra “động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã xác định đường hướng của cải cách phải từ “Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.

Làm gì để nguồn cảm xúc đó trở thành động lực cho cải cách, thay vì để nguội lạnh và dẫn đến sự thờ ơ, vô cảm ngự trị? Việt Nam có thể học được bài học nào từ quá trình trỗi dậy của Hàn Quốc, Trung Quốc hay chính từ các nước ASEAN như Singapore, Indonesia? Tiến trình cải cách phải khởi động từ đâu? …

Những câu hỏi này hi vọng sẽ được phần nào giải đáp trong cuộc đối thoại trực tuyến với GS Vũ Minh Khương vào 9h30 sáng mai. Mời bạn đọc gửi câu hỏi qua tuanvietnam@vietnamnet.vn.

VietNamNet