Thông tin được truyền thông Trung Quốc và Ấn Độ đồng loạt đăng tải hôm 6/7, một ngày sau khi các quan chức cấp cao hai nước nhất trí làm giảm căng thẳng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm vùng Ladakh giáp biên giới với Trung Quốc hôm 3/7. Ảnh: Reuters |
Truyền thông Ấn Độ trích dẫn lời các quan chức chính phủ cho hay, lính Trung Quốc đã di dời các lều trại và công trình khác ra khỏi nơi từng xảy ra xô xát hôm 15/6 với binh sĩ nước này ở thung lũng Galwan. Phía Ấn Độ cũng cho rút quân và thiết lập một vùng đệm an toàn giữa lực lượng hai nước.
Các nguồn thạo tin nhấn mạnh, động thái trên nhằm tuân thủ thỏa thuận đạt được trong những cuộc thương lượng xoa dịu tình hình giữa các quan chức cấp cao của quân đội hai nước.
Theo báo RT, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận vấn đề biên giới với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval qua điện thoại hôm 5/7. Hai quan chức nhất trí bảo đảm việc binh lính rút quân dọc đường phân ranh thực tế (LAC) càng sớm càng tốt.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài khoảng 4.000km. Hai nước láng giềng này thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột về chủ quyền lãnh thổ, dù đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp. Căng thẳng leo thang ở khu vực dãy Himalaya từ tháng 5 khi New Delhi và Bắc Kinh cáo buộc lẫn nhau xâm phạm đường LAC.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi binh sĩ hai nước ẩu đả dữ dội ở thung lũng Galwan tối 15/6, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Hai bên đã triển khai thêm lính và khí tài quân sự tới các "điểm nóng" ở biên giới ngay sau đó.
Tuấn Anh
Đọ sức mạnh quân đội Trung Quốc, Ấn Độ
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra chiến tranh năm 1962 vì tranh chấp chính vùng đất trên dãy Himalaya, nơi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ bạo lực giữa hai bên đầu tuần này.
Căng với Trung Quốc, Ấn Độ mua hàng loạt chiến cơ Nga
New Delhi đã bật đèn xanh cho một thỏa thuận quy mô lớn với Moscow, mua thêm một loạt máy bay mới để tăng cường sức mạnh cho không quân.