- ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) lưu ý cơ chế của ta là Đảng lãnh đạo, sau khi trưng cầu ý dân rồi thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng phải xem ý dân thế nào, lòng Đảng ra sao, trên cơ sở đó mà quyết định.

'Dân trí thấp, không thể tùy tiện trưng cầu'

Thảo luận tại tổ về luật Trưng cầu dân ý chiều nay, Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ muốn làm rõ những vấn đề hệ trọng với sinh mệnh đất nước cần trưng cầu ý dân.

{keywords}

Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ

Theo ông, dự thảo luật quy định chung chung có thể khiến "những người to mồm thành thiểu số". "Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện", ĐB Huệ phát biểu.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng đặt câu hỏi những chế định lớn như bộ luật Dân sự, Hình sự, các dự án kinh tế xã hội đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì có nên đặt ra trưng cầu ý dân không? Đồng thời ông gợi ý luật cần quy định cụ thể luôn những nội dung như Hiến pháp, tuổi nghỉ hưu, đồng tiền chung, bỏ toàn bộ sử dụng tiền mặt để chống tham nhũng, trộm cướp; liên minh liên kết nước khác... cần trưng cầu ý dân.

Quy định rõ 'vùng cấm'

Cùng lo ngại sự chung chung, Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước cho rằng luật phải quy định rõ những điều thuộc vùng cấm, không đưa ra trưng cầu ý dân.

Câu hỏi "việc gì cần đưa ra trưng cầu ý dân" được ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận thức rất đơn giản: Hiến pháp ghi rõ là QH quyết định trưng cầu ý dân về, thứ nhất là Hiến pháp, thứ hai là những vấn đề thuộc thẩm quyền của QH nhưng QH không yên tâm khi quyết.

"Nên chúng ta không thể nào ngồi kê ra việc này việc kia vì đã thuộc thẩm quyền của QH hết rồi", ông Lịch nói.

Về kết quả trưng cầu ý dân, ĐB băn khoăn giữa tỉ lệ 50% hay 2/3 đồng ý là thông. ĐB Phạm Xuân Thường cho rằng, được 50% cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu và 50% trong đó đồng ý là "tốt rồi".

CLIP ĐB NGUYỄN VĂN PHÚC PHÁT BIỂU:

"Những việc cần có thể bị lỡ mất chỉ vì chờ cho được tỉ lệ 2/3, vì một số người không quan tâm, không đi bỏ phiếu. Mà để được 2/3 có khi lại có vấn đề khác, bỏ phiếu thay chẳng hạn", ông Thường nói. ĐB Lê Đắc Lâm, phó đoàn ĐBQH Bình Thuận cũng cho rằng tỉ lệ 2/3 không khả thi, "không khéo là chạy theo thành tích, không đúng ý dân".

Trong khi đó ĐB Cao Sĩ Kiêm lại cho rằng, chỉ một nửa thì phạm vi trưng cầu hẹp lại, mất đi tính chính xác. Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, ĐB Hà Tĩnh cũng lập luận chỉ một nửa cử tri đi bỏ phiếu, sau đó chỉ một nửa trong đó đồng ý, có nghĩa chỉ 25%, nói là ý chí của toàn dân là khó thuyết phục. Ở các nước khác là bất ổn vì đồng thuận không cao.

Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an Đỗ Kim Tuyến (ĐB Hà Nội) lưu ý thể chế chính trị của ta khác các nước, vấn đề quốc gia đại sự đều do Trung ương quyết định.

{keywords}
ĐB Đỗ Kim Tuyến

"Cơ chế của ta là Đảng lãnh đạo, sau khi trưng cầu ý dân rồi thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng phải xem ý dân thế nào, lòng Đảng ra sao, trên cơ sở đó mà quyết định" - ông Tuyến phát biểu .

Bày biện hoành tráng dân không đồng ý

Phạm vi trưng cầu ý dân ở toàn quốc hay địa phương, khu vực cũng khiến các ĐB tranh luận. Nhiều ví dụ được viện dẫn cho thấy dù là việc xảy ra ở một địa phương nhưng cũng cần lấy ý kiến phạm vi toàn quốc như vấn đề an toàn hồ đập thủy điện, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, lấp sông Đồng Nai.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho hay trưng cầu ý dân ở các nước phần lớn ở địa phương, cơ sở, với những vấn đề đơn giản, phù hợp với yêu cầu của người dân.

{keywords}

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phân tích nhà máy điện hạt nhân đặt ở nơi nào thì nơi đấy và vùng xung quanh sẽ bị  ảnh hưởng. Ta chủ trương đặt ở đâu mà hỏi ý kiến người dân nơi ấy thì gần như không bao giờ đặt được nhà máy điện nguyên tử nào trên quốc gia cả. Nước ta cũng thế mà nước khác cũng vậy.

"Ở Hà Nội nếu đi hỏi ý kiến nhân dân thì tôi xin đảm bảo gần như không bao giờ triển khai được dự án môi trường về rác thải và nghĩa trang. Không có nơi nào đi hỏi ý kiến nhân dân mà họ đồng ý cho đặt nghĩa trang hay chôn rác thải ở địa bàn xã mình", ông nói.

ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng, làm cấp nào thì trưng cầu ý dân cũng phải gọn, tiết kiệm, hiệu quả. "Bày biện hoành tráng quá dân không đồng ý đâu, vì đó cũng là tiền của của dân", ông Lộc nói.

C.Hoàng - T.Hằng - H.Nhì - H.Sang - T.Lý - L.A.Dũng - X.Quý