“Trong 10 năm trở lại đây, ngành game Trung Quốc có tốc độ phát triển thần tốc khiến nhiều người kinh ngạc. Trong năm 2013, giá trị của một mình công ty internet Tencent đã vượt trội so với tổng giá trị của tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống trên toàn quốc, tầm quan trọng của ngành game đối với sự phát triển kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng”. Đây là lời phát biểu của ông Tống Kiến Tân, phó giám đốc tổng cục quản lý xuất bản báo chí và phát phanh Trung Quốc, tại Hội nghị thường niên của ngành game Trung Quốc lần thứ 10 được tổ chức tại Vũ Hán từ ngày 26 đến 28 tháng 12 năm 2013.
Trong quãng thời gian 10 năm, ngành game online Trung Quốc đã có doanh thu thực tế từ 1,3 tỷ nhân dân tê tăng trưởng lên 83,1 tỷ nhân dân tệ, ngày nay đã có hơn chục doanh nghiệp game Trung Quốc niêm yết thị trường. Ngoài ra, trong năm 2013 cũng chứng kiến sự bứt phá của game mobile với thu nhập thực tế đạt 11,2 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 246,9% so với năm trước, trở thành một điểm sáng mới trên thị trường game online.
Hồi tưởng lại khoảng thời gian 10 năm, ông Tống Kiến Tân có dùng 8 chữ: “Từ không thành có, từ nhỏ thành to”.
Một chặng đường đầy gian nan
Năm 2004, ChinaJoy lần đầu tiên được tổ chức, các hạng mục tham gia đều nằm ngoài lĩnh vực game, thương hiệu nội địa còn cực ít.
Để thúc đẩy khả năng phát triển của game nội địa, nguyên tổng cục quản lý xuất bản báo chí đã phát động “Dự án xuất bản game online nội địa Trung Quốc”, lên kế hoạch sản xuất 100 game online tự phát triển trong vòng 5 năm.
Kể từ đó, game online nội địa Trung Quốc nở rộ như hoa trong ngày xuân. Đến ChinaJoy năm 2006, hơn 60% người tham gia đều là các thương hiệu nội địa, do đó mà đảo ngược được sự thống trị của game nước ngoài.
Tuy nhiên, rất nhiều người lại lo ngại rằng có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như vậy không? Ông Tống Kiến Tân trả lời khẳng định rằng: “So với Châu Âu mà nói, ngành game Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn trứng nước”. Do vậy, ông Tống tin rằng, thêm 10 năm nữa, ngành game Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ.
Năng lực hấp dẫn hợp tác xuyên ngành không ngừng tăng
Về phương diện hợp tác với các thương hiệu thế giới, Snail Games là một hình mẫu tiêu biểu và đã tạo ra được bước tiến quan trọng. Gần đây, Snail Games đã hợp tác với TCL để phát hành điện thoại game đầu tiên có tên “điện thoại di động snail”. Giám đốc điều hành của Snail Games là ông Thạch Hải nói: ”Snail Games không chỉ hi vọng làm game, mà còn hi vọng trở thành nền tảng kênh của thời đại internet di động”.
Tiến sâu hơn vào phương diện hợp tác nhân lực xuyên ngành. Phó chủ tịch Tencent là ông Trình Vũ Diễn nói: “Các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh Trung Quốc như ông Trần Khả Tân, ông Viên Hòa Bình…, đều tham gia vào công tác phát triển của game online Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao. Chúng tôi còn tiếp tục có hợp tác chiến lược với Viện nghiên cứu nghệ thuật Trung Quốc, Hiệp hội vũ công Trung Quốc…, để cùng nhau khám phá khả năng dung hợp game với nghệ thuật truyền thống”.
Khả năng thu hút đầu tư xuyên biên giới của ngành game cũng đang tăng lên từng ngày. Đến cuối năm 2013, công ty game U9time đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với công ty thực phẩm Herunlin. Giám đốc điều hành của U9time là ông Lưu Lượng Biểu cho biết: “Hi vọng việc thu hút hợp tác đầu tư liên ngành có thể mang lại một nguồn cảm hứng mới”.
Vẫn còn tồn tại các vấn đề sao chép, phân cấp, hiểu lầm…
Song song với sự bùng nổ phát triển, ngành game Trung Quốc cũng đã tích lũy rất nhiều vấn đề nan giải.
Căn bệnh mà hầu hết mọi người trong ngành game lo ngại nhất trước hết là sao chép. “Chỉ cần vài người, một chút tiền đầu tư, thuê một căn phòng là có thể phát triển game. Tuy gọi là phát triển, nhưng thực tế là tìm 1 tựa game rồi thay đổi đi một chút, sau đó lại nghĩ cách đem bán. Cái tâm lý thiển cận này cứ như thế được lặp đi lặp lại”, chủ tịch công ty Giant là ông Kỷ Học Phong cho biết.
Trong nửa đầu năm 2013, bảng danh sách tải game đã thay đổi tới hơn 80%. Ông Kỷ phân tích rằng, ngoài nguyên nhân người chơi ngày càng kén chọn ra, các game giống nhau, không thú vị, tự nhiên sẽ không níu giữ được người chơi. “Mỗi năm cần tìm kiếm ra những cái tên nổi bật trong hàng ngàn vạn game được sản xuất, nhất thiết phải làm game chất lượng. Điều này yêu cầu chúng ta phải quay lại với bản chất của vấn đề, chú trọng vào nội dung game, chú trọng vào nhu cầu của người chơi”.
Một vấn đề cũng cần được lưu tâm đó là xây dựng hệ thống phân cấp game. “Ở nước ngoài có hệ thống quản lý phân cấp game vô cùng chi tiết, nhưng quan điểm về tính đẫm máu và bạo lực của Trung Quốc và phương Tây có tồn tại sự khác biệt và còn nhiều nguyên nhân giới hạn nữa, do vậy mà trước mắt vẫn còn trong trong giai đoạn thảo luận. Đây đang là công việc được ưu tiên của chúng tôi, khiến thanh thiếu niên có được một quan niệm chính xác về game là chuyện rất cấp bách”, ông Tống Kiến Tân nói.
Dưới vai trò là một ngành công nghiệp mới nổi, vì vậy mà tư duy truyền thống đã khiến nhiều người hiểu sai về game, dẫn tới quan niệm “game là độc phẩm” ăn sâu vào tâm lý. Đối với vấn đề này, ông Tống thẳng thắn nói rằng điều đó “hoàn toàn sai lầm”.
“ Tất cả mọi thứ đều có hai mặt, ví như con dao làm bếp là một vật phẩm tất yếu trong cuộc sống, nhưng nó cũng có thể hại người, game cũng như vậy. Do đó, việc cần làm bây giờ chính là tự thân phát triển thật tốt, có thế thì những thành kiến mới được loại bỏ. Tôi tin rằng, ngành công nghiệp game chắc chắn có khả năng tiếp tục tạo ra những kỳ tích huy hoàng”.
Theo Tri Thức Trẻ