Vào dịp cuối tháng 10 vừa qua, trong buổi làm việc với doanh nghiệp và người chăn nuôi tại tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu cả doanh nghiệp và người chăn nuôi tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc.
Ngay sau đó, Bộ NN-PTNT cũng gửi công văn đến Ban Chỉ đạo 389 guốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và nước láng giềng.
Song, tại Trung Quốc do khủng hoảng bởi dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn thiếu hụt trầm trọng khi phải tiêu hủy khoảng 200 triệu con lợn nên đã đẩy giá thịt lợn cao chưa từng có. Từ mức giá 44.000 đồng/kg tháng 1/2019 nay giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại thị trường 1,4 tỷ dân này đã gần chạm mốc 140.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại Việt Nam.
Lợn Việt Nam vẫn được đưa lên biên giới để xuất lậu sang Trung Quốc (ảnh Nông nghiệp Việt Nam) |
Điều này khiến các thương lái ồ ạt đưa lợn sống, thịt lợn vượt biên sang Trung Quốc bất cấp lệnh cấm trước đó của Bộ NN-PTNT.
Theo thông tin đăng tải trên Nông nghiệp Việt Nam, giữa tháng 11, tại các tuyến QL3, Tỉnh lộ 211, xe chở lợn đang hàng ngày ùn ùn chở lên biên giới Cao Bằng, các đầu nậu thì dùng đủ biện pháp qua mặt các cơ quan chức năng để xuất lậu qua các đường mòn. Thời điểm diễn ra thường là khi trời bắt đầu tối tới hết đêm.
Các xe chở lợn được giao tại bãi tập kết, cách hàng rào thép gai biên giới với Trung Quốc khoảng hơn 200m. Có ít nhất hơn 10 người làm nhiệm vụ tiếp nhận và đuổi lợn sống theo lối mòn qua. Phía bên kia biên giới Trung Quốc, cũng có sẵn một tốp khoảng vài chục người tiếp nhận. Ngoài ra, còn có hàng chục xe máy chở lợn đã thịt bằng xe máy lên giao theo tuyến đường này.
Ước tính mỗi ngày có tới khoảng trên dưới 50 xe tải chở lợn tỏa đi khắp các vùng biên giới của tỉnh Cao Bằng.
Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa bắt giữa xe chở móng giò lợn và lòng lợn xuất lậu qua biên giới |
Chia sẻ với báo VietNamNet, một chủ trang trại chăn nuôi lợn lớn ở Hưng Yên thừa nhận vẫn đang bán lợn cho các thương lái để xuất đi Trung Quốc vì giá bán cao hơn. Trong khi, xuất bán cho các lò mỗ tại Việt Nam giá thấp, thương lái kén chọn và thường xuyên ép giá do lợn to quá cỡ, hay lợn nhiều mỡ.
Tại cuộc hợp khẩn của Bộ NN-PTNT tìm biện pháp tăng cung và bình ổn giá lợn chiều ngày 18/11, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP cho biết, đang có tình trạng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, cả lợn thịt và lợn giống (loại lợn 10-30kg).
Mới đây, theo thông tin từ Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, bắt giữ xe ô tô tải mang biển kiểm soát 14C-128.63 do ông Chìu Cắm Hếnh (thôn Khe Và, xã Tĩnh Húc, Bình Liêu, Quảng Ninh) là người điều khiển vì có hành vi xuất lậu hàng hóa qua biên giới.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa và phương tiện, tiến hành phân loại, kiểm đếm thực tế trên xe còn đang vận chuyển số hàng cụ thể gồm: chân lợn đông lạnh, loại 20kg/1 bao, không có nhãn hàng hóa, số lượng 145 bao: 2.900 kg; lòng lợn ướp muối, loại 20kg/1 bao, không có nhãn hàng hóa, số lượng 108 bao: 2.160 kg.
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 chiều 18/11 tại trụ sở Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg.
Theo ông Tiến, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường.
Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái 389 và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.
L.Minh