Nhiều nhà sản xuất Mexico đang phải đối mặt với một thách thức chung: đối thủ chính của công ty là các hãng Trung Quốc có lợi thế kép là giá nhân công rẻ và kỹ thuật hàng đầu.

Tháng 11 năm ngoái, tôi ngừng công việc biên tập tại tờ Wired để chuyển sang điều hành 3D Robotics, một công ty máy bay không người lái có trụ sở tại San Diego mà tôi cùng tham gia thành lập khi còn là một dự án chung. Chúng tôi phát triển công nghệ lái tự động và các loại máy bay cỡ nhỏ - cả máy bay và trực thăng đa cánh - có thể bay tự động. Những máy bay không người lái này được bán với giá vài trăm USD, và cho mục đích dân sự: chúng không nhắm bắn mục tiêu nào mà chỉ thực hiện việc chụp ảnh và quay video. Việc xây dựng những chiếc máy bay này rất thú vị (trong đó, chúng tôi có sự hỗ trợ đắc lực từ các robot). Không khó khăn chút nào khi quyết định từ bỏ nghề xuất bản để chuyển sang công việc này.

Nhưng công ty của tôi, trong cùng hoàn cảnh với nhiều nhà sản xuất khác, đang phải đối mặt với một thách thức chung: đối thủ chính của công ty là các hãng Trung Quốc có lợi thế kép là giá nhân công rẻ và kỹ thuật hàng đầu. Do vậy, tất nhiên, khi chúng tôi đi kêu gọi tài trợ đầu tư hồi năm ngoái, các nhà đầu tư mạo hiểm đã đòi hỏi phải có sự giải thích hợp lý về cách công ty nhỏ bé mới thành lập của chúng tôi có thể đánh bại các đối thủ đến từ Trung Quốc như thế nào. Câu trả lời rất gây bất ngờ cho các nhà đầu tư cũng như với tôi vài năm trước đó: Mexico. Cụ thể hơn là Tijuana.

Giống như nhiều người Mỹ, cho tới gần đây, khi tôi nghe đến "Tijuana" tôi chỉ liên tưởng đến những băng nhóm thuốc phiện và thứ rượu tequila rẻ tiền. Mặc dù vậy "TJ" là một thành phố với hơn 2 triệu dân (lớn hơn thành San Diego gần đó), và đang trở thành trung tâm lắp ráp hàng điện tử của Bắc Mỹ: hầu hết các TV màn hình phẳng bán ở Mỹ của các hãng như Samsung và Sony đều được sản xuất tại đó, cùng với nhiều sản phẩm khác, từ thiết bị y tế cho tới phụ tùng máy bay. Jordi Muñoz, một thanh niên trẻ tuổi, thông minh, người chỉ cho tôi biết về máy bay không người lái và sau đó cùng tôi thành lập 3D Robotics, đến từ TJ và anh đã thuyết phục tôi xây dựng nhà máy thứ hai tại đó để hỗ trợ cho công việc của chúng tôi ở San Diego.


Qua lại giữa hai nhà máy - một tại San Diego, nơi chúng tôi thiết kế máy bay không người lái, và một tại TJ, nơi chúng tôi lắp ráp chúng - khiến tôi nhớ lại điều tôi từng trải qua cách đây hơn một thập niên. Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, tôi đang sống tại Hồng Kông (công tác ở tờ The Economist) và được chứng kiến thành phố "phối hợp" nhịp nhàng như thế nào với đặc khu kinh tế Thâm Quyến ở bên kia đại lục thuộc tỉnh Quảng Đông. Hai thành phố này cùng với nhau tạo thành một trung tâm chế tạo hàng đầu thế giới: kinh doanh, công nghệ và tài chính của Hồng Kông, sản xuất tại Thâm Quyến. Sự phân chia lao động rõ ràng giữa hai thành phố này trở thành kiểu mẫu ở Trung Quốc hiện đại.

Ngày nay, những hoạt động tương tự giữa Thâm Quyến và Hồng Kông cũng đang diễn ra giống như giữa Tijuana với San Diego. Bạn có thể lái xe từ trung tâm thiết kế San Diego tới nhà máy Tijuana của chúng tôi trong vòng 20 phút, mà không phải yêu cầu xuất trình hộ chiếu (hộ chiếu cho chiều trở lại vẫn bị yêu cầu, nhưng có đường nhanh dành cho doanh nhân). Một số lao động của chúng tôi qua lại biên giới hằng ngày; tại TJ, chi phí dịch vụ y tế rẻ hơn và dễ tìm hơn, các trường tư thục cũng vầy, mặc dù sinh sống tại San Diego vẫn có vẽ thích thú hơn. Trên một số phương diện, biên giới này có cảm giác giống như biên giới tưởng tượng của Liên minh châu Âu hơn là một đường chia cắt giữa hai thế giới phát triển và đang phát triển.

Và không phải chỉ có TJ. Chếch về phía Đông, tại Juárez, các máy tính Dell cũng đang được Foxconn xây dựng. Công ty này sản xuất hơn 40% hàng điện tử của thế giới (bao gồm cả iPhone và iPad của Apple). Về phía Nam, tại Querétaro, một nhà máy đang sản xuất hộp truyền động mà General Motors sử dụng cho dòng xe Corvettes. Việc thiết kế động cơ phản lực GEnx của General Electric và việc sản xuất các sản phẩm nội thất máy bay cho chiếc 787 Dreamliner của Boeing cũng diễn ra tại Mexico. Sản phẩm chế tạo là hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của nước này, với tỷ lệ đầu tư tư nhân thuộc diện cao nhất thế giới.

Quan niệm cho rằng Mexico chỉ cung cấp lao động giá rẻ đã không còn phù hợp. Sinh viên tốt nghiệp tại Mexico hằng năm 115.000 kỹ sư - gần gấp ba lần con số tại Mỹ, tính theo bình quân đầu người. Kết quả là một số chuyên gia điện máy thường dễ kiếm ở TJ hơn ở nhiều thành phố lớn tại Mỹ. Tương tự, việc kiếm một kế toán kinh nghiệp trong ngành kinh tế sản xuất và các lao động tay nghề cao khác cũng vậy.

Tất cả những điều trên càng củng cố cho một mô hình - mô hình chứa đựng lời giải đáp được tìm kiếm bấy lâu cho việc làm thế nào các hãng sản xuất Mỹ có thể cạnh tranh với các đối thủ tại Trung Quốc, Ấn Độ và thế hệ các "công xưởng" kinh tế mới khác. Và trên quan điểm của Mỹ, đó cũng là cách tạo ra hàng nghìn việc làm cho nước này.

Mọi nhà kinh doanh đều hiểu rằng chuỗi cung ứng càng ngắn gọn và mau lẹ thì càng tốt.

Trước hết, chuỗi cung ứng ngắn hơn đồng nghĩa công ty có thể làm ra những thứ mình muốn, thay vì chỉ sản xuất những sản phẩm mà họ buộc phải làm. Nghe có vẻ lạ, nhưng nhiều nhà sản xuất nhỏ không có lựa chọn đó. Khi chúng tội thành lập 3D, chúng tôi sản xuất mọi thứ tại Trung Quốc và cần đặt hàng theo đơn vị hàng ngàn sản phẩm để giảm chi phí. Điều đó có nghĩa, chúng tôi phải chúng tôi phải chi trả khoản tiền rất khổng lồ để sản xuất khối lượng hàng hóa lớn - số tiền đó chúng tôi sẽ không thể thu lại cho tới khi những sản phẩm này được bán ra, đôi khi phải mất một năm hoặc lâu hơn. Khi chúng tôi tự làm chủ hoạt động sản xuất, nên chúng tôi có thể làm đúng những thứ chúng tôi cần vào tuần đó.

Thứ hai, rủi ro cũng thấp hơn. Hiện tại, nếu chúng tôi gặp phải lỗi trong thiết kết, chúng tôi nhiều nhất cũng chỉ lãng phí vài ngày giá trị sản xuất. Nếu có trục trặc trong quá trình sản xuất, chúng tôi có thể phát hiện nhanh chóng. Chúng tôi kiểm soát linh kiện lưu kho, do vậy chúng tôi có thể thấy cái gì sẽ đưa vào hàng hóa của chúng tôi và biết chúng tôi không bị đánh lừa bởi các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc ăn cắp bản quyền. Và nếu chúng tôi muốn bảo về quyền sở hữu trí tuệ của mình, chúng tôi có thể làm vậy mà không cần quan tâm các công ty khác đặt lợi ích của chúng tôi lên trên hết. Và đó là còn chưa nói đến rủi ro chính trị, môi tường hay rủi ro PR, những thứ mà các công ty như Apple và Walmart đã từng phải nếm mùi cay đắng tại Trung Quốc.

Thứ ba, mọi thứ sẽ nhanh chóng hơn. Chúng tôi vẫn phải đặt hàng một số sản phẩm từ Trung Quốc, và ngay cả khi chúng tôi sử dụng hãng chuyển phát nhanh FedEx, vẫn có thể bị chậm hàng tuần, và đôi khi hàng tháng, so với kế hoạch ban đầu. Nói vậy không phải để chê bai Trung Quốc; chỉ đơn giản là mối quan hệ ai cũng biết giữa người mua nhỏ và nhà sản xuất lớn. Nếu chúng tôi là Apple, chúng tôi có thể nhận được những dịch vụ qua đêm. Nhưng chúng tôi không phải là họ, nên chúng tôi phải đợi.

Cuối cùng, một chuỗi cung ngắn cũng khuyến khích sáng tạo. Nếu bạn thuê gia công sản xuất kiện sản phẩm lớn, bạn không thể thay đổi sản phẩm đó cho tới khi bạn bán hết toàn bộ sản phẩm bạn đã làm (nhưng bạn cũng cần giữ chỗ đứng trên thị trường). Do vậy điều đó thường có nghĩa là tự bó tay mình, và đợi cho Phiên bản 1 bán hết trước khi sản xuất phiên bản 2. Nhưng khi bạn thực hiện sản xuất khả năng làm chủ thời gian cao hơn, bạn có thể thay đổi sản phẩm hằng ngày nếu bạn muốn - dù là để thay thế linh kiện tốt và rẻ hơn hay để cải thiện sản phẩm.

Trong khi đó, tại chuỗi cung ứng dài, mọi thứ cũng đang thay đổi. Chi phí nhân công (đã tính đến lạm phát) tại Trung Quốc đã tăng gấp hơn 3 lần trong thập niên qua. Lương tại các thành phố phía Nam đang tiến gần mức 6 USD/giờ, gần bằng tại Mexico.

Dù các nhân tố như vậy đủ để đưa các doanh nghiệp Mỹ từ thuê làm bên ngoài sang tự làm vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng tôi đánh cược tiền của của mình rằng họ sẽ làm vậy. Cảm giác khi lần đầu tiên đi từ Hồng Kông sang Thâm Quyến vào năm 1997 là tôi điều tôi đang thấy được trong mỗi chuyến đi từ San Diego qua Tijuana. Các tuyến thương mại của thế kỷ 21 không nhất thiết phải theo Marco Polo từ Tây sang Đông. Trên thực tế, với người Mỹ, trong khung cảnh sản xuất mới, các tuyến đường này không nhất thiết phải đưa họ đi xa đến thế.

Trâm Anh theo NYTimes