Hệ điều hành trung tâm chính là yếu tố quan trọng nhất đằng sau thành công của các chuyến đi thám hiểm không gian, cho dù đó chỉ là hoạt động nghiên cứu hay thăm dò các hành tinh trong hệ mặt trời.
Theo công ty China Electronics Corporation (CEC), các robot và tàu vũ trụ của Trung Quốc đều sử dụng một hệ điều hành gọi là Kylin (kỳ lân). Các đoạn mã chính của hệ thống được viết bởi nhóm nghiên cứu quân sự Trung Quốc.
Phần lõi của hệ điều hành Kylin được Trung Quốc coi như một bí mật cấp quốc gia và bảo vệ rất nghiêm ngặt. Việc sử dụng hệ thống này trong chương trình chinh phục không gian cũng mới được đất nước tỷ dân xác nhận cách đây không lâu.
Hệ điều hành Kylin được sử dụng để giao tiếp với các robot và vệ tinh của Trung Quốc trong vũ trụ. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tự phát triển hệ điều hành vì sợ phụ thuộc Linux, Windows
Trong bài phát biểu với truyền thông nhà nước cuối tuần qua, các thành viên của nhóm phát triển Kylin đã tiết lộ vai trò thực sự của hệ điều hành trong các nhiệm vụ ngoài không gian. Theo đó, Kylin sẽ trực tiếp điều phối các hoạt động trí tuệ nhân tạo, bộ điều khiển trên mặt đất và tất cả phần cứng trên tàu vũ trụ.
Theo tạp chí Space Industry Management, việc Trung Quốc phát triển hệ điều hành riêng là một bước đi đúng đắn nhằm hiện thực hóa những tham vọng chinh phục vũ trụ của nước này. Cách đây một thập kỷ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đều phải dựa vào Linux và Windows để điều khiển các chương trình nghiên cứu không gian của họ.
Tàu Zhurong của Trung Quốc, hiện thăm dò trên Hỏa tinh, được điều khiển qua hệ điều hành Kylin. Ảnh: CNSA.
Từ năm 2008, nhà chức trách của Trung Quốc đã bắt đầu thay thế toàn bộ công nghệ phương Tây bằng các sản phẩm trong nước. Quá trình này thậm chí còn được đẩy mạnh sau những tiết lộ của cựu nhân viên NSA Edward Snowden vào năm 2013 liên quan đến các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ.
Trong bài phỏng vấn ngày 20/6, ông Dan Jianqun, trưởng nhóm khoa học của dự án Kylin dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho rằng sử dụng hệ thống của người khác giống như xây một ngôi nhà trên nền đất không phải của mình.
"Nó có thể to lớn và tuyệt đẹp, nhưng cũng có thể bị phá hủy trong một sớm một chiều”, ông Jianqun chia sẻ.
Câu nói này có lẽ đã tiếp thêm động lực cho nhiều kỹ sư công nghệ Trung Quốc nhanh chóng tạo ra một hệ điều hành mới, nhất là trong giai đoạn đất nước tỷ dân đang phải gánh chịu sự cấm vận từ phương Tây.
Vẫn mang tiếng "hệ điều hành cóp nhặt"
Hệ điều hành Kylin là một trong những kết quả nổi bật nhất của quân đội Trung Quốc, bên cạnh các hệ thống Zhanxing hay Warring Star từng được phát triển trước đó.
Ông Dan Jianqun cho biết Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự phát triển hệ điều hành của riêng mình.
Theo CEC, hệ điều hành Kylin cũng có những thành phần của FreeBSD, Linux và giao diện gần giống Windows.
Giao diện hệ điều hành Kylin. Ảnh: Kylinos.cn.
Trung Quốc hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi quyết định chuyển đổi từ phần mềm hiện có sang các sản phẩm trong nước.
Liu Jun, một kỹ sư phần mềm của nhóm Kylin, cho biết các sứ mệnh không gian không chỉ đòi hỏi hệ điều hành phải có tính bảo mật cao mà còn yêu cầu cả độ tin cậy và hiệu suất.
“Việc này khó như khi bạn nén một gói bánh quy thành vài gram mà không mất đi chút dinh dưỡng nào”, ông Liu chia sẻ.
Tuy vậy, Kylin cũng từng bị giới công nghệ cho là “cóp nhặt” nhiều yếu tố cơ bản của các phần mềm khác, điển hình như giao diện người dùng của Windows hay một số phần của hệ điều hành Linux. Do đó, nhiều chuyên gia công nghệ quốc tế đánh giá hệ điều hành Kylin không có gì nổi bật và thực chất chỉ giống như một đứa “con lai” giữa các hệ điều hành hiện có.
Cho đến nay, Kylin hiện vẫn là hệ điều hành chính được sử dụng trong các hoạt động chính phủ và quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất chính là khả năng thích ứng phần cứng. Trung Quốc vẫn sử dụng nhiều trang thiết bị khoa học từ nước ngoài và hầu hết chúng không tương thích với Kylin.
(Theo Zingnews)
Huawei sắp ‘phục thù’ bằng hệ điều hành smartphone mới
Huawei sẽ ra mắt hệ điều hành smartphone Harmony mới vào ngày 2/6, nhằm phục hồi thiệt hại do lệnh cấm vận của Mỹ gây ra với bộ phận di động.