- Việc Trung Quốc mua thịt lợn trở lại là tín hiệu tốt, nhưng khi vẫn theo con đường tiểu ngạch, không cẩn thận, chúng ta lại phải quay lại cảnh như vừa qua, giải cứu thịt lợn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/7 về động thái Trung Quốc gom mua thịt lợn trở lại, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm cần cẩn trọng hơn nữa với thị trường Trung Quốc.

Ông Hải cho hay, vừa qua chúng ta đã phải giải cứu thịt lợn (thịt heo) nên nếu có bất kỳ cơ hội nào để tiêu thụ thịt lợn thì đó là tín hiệu tốt. Nhưng quan trọng hơn, cần phải xem việc tiêu thụ xuất khẩu thịt lợn như vậy có bền vững không, có ảnh hưởng đến định hướng ngành chăn nuôi, sản xuất thịt lợn hay không.

“Nếu chỉ vì như vậy mà tiếp tục tăng đàn lợn thì đến lúc nào đó, không còn đầu ra. Ví dụ như với Trung Quốc, hiện chúng ta vẫn chỉ xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch. Nếu không cẩn thận, ta lại phải quay lại cảnh như đã gặp là phải giải cứu thịt lợn”, ông Hải chia sẻ.

{keywords}
Phụ thuộc Trung Quốc, Việt Nam tăng đàn lợn đã dẫn tới dư thừa, phải giải cứu thịt lợn(ảnh: theo Tiền phong)

Ông Hải cũng cho hay, cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được chính ngạch mặt hàng thịt lợn vào Trung Quốc. Thịt lợn Việt Nam xuất chính ngạch mới chỉ triển khai được ở 2 thị trường mà Malaysia và Hồng Kông đối với chủng loại thịt lợn sữa, trọng lượng chỉ 10-15 kg. Còn xuất thịt lớn với trọng lượng 75-10kg/con như đã bán cho Trung Quốc thì chưa thực hiện được.

Theo Thứ trưởng Hải, việc không xuất được chính ngạch vào Trung Quốc có nguyên nhân mấu chốt là do chất lượng thịt lợn của Việt Nam.

Ông nhấn mạnh: “Không chỉ ở thịt lợn mà các loại thực phẩm khác, rau quả nói chung…, chất lượng phải đảm bảo như thế nào thì mới xuất khẩu chính ngạch được. Thị trường đã mở rồi nhưng muốn tranh thủ được thì phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng sản phẩm”,

“Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giám sát chặt chẽ việc điều hành sản xuất, tiêu thụ, từ đầu vào đến đầu ra. Chúng tôi cũng đã thường xuyên đưa ra các cảnh báo đối với thị trường Trung Quốc đối với người chăn nuôi”, Thứ trưởng Hải lưu ý.

Trước đó, cuối tháng 5, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trích dẫn thông tin từ Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNN cho biết, sau khi sang Trung Quốc đàm phán đã công bố, phía Trung Quốc đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép nhập khẩu chính ngạch thịt lợn của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Nam của Bộ này khẳng định thông tin chưa chính xác. Hai nước vẫn đang hoàn tất hồ sơ để đạt thỏa thuận nhập khẩu thịt lợn chính ngạch. 

Trong các cuộc đàm phán này, nước bạn yêu cầu Việt Nam phải làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, dịch bệnh như bệnh lở mồm long móng… và dự kiến, chỉ nhập khẩu thịt lợn đã qua sơ chế, cấp đông để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không nhập lợn xuất chuồng nguyên con. Năm 2012, vì lý do dịch bệnh nên Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn Việt Nam.

Đầu năm nay, do Trung Quốc ngừng mua, thịt lợn Việt Nam bị khủng hoảng thừa, giá rớt dưới giá thành chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg. Tình trạng này khiến Chính phủ buộc phải kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiêu thụ, giải cứu thịt lợn trên toàn quốc.

Đến tuần qua, do thương lái Trung Quốc thu mua trở lại, vẫn theo tiểu ngạch, thịt lợn hơi bán ra tại Đông Nam Bộ cũng đã tăng khoảng 7.000- 8000 đồng/kg, giao dịch với giá từ 28.000 đồng/kg trở lên và dự kiến có thể tăng đạt tới mức giá 35.000 đồng/kg.

Phạm Huyền