Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 3/9, Gao Feng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết các công ty nên tư vấn cơ quan quản lý thương mại cấp tỉnh đối với bất kỳ giao dịch nước ngoài nào liên quan tới các công nghệ trong danh sách hạn chế xuất khẩu. Ông bổ sung quy định mới không nhằm vào một công ty cụ thể nào.
Tháng trước, Bộ bổ sung 23 sản phẩm - trong đó có dịch vụ cá nhân dựa trên phân tích dữ liệu và giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo – vào danh sách bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu. Lần cuối thay đổi được đưa ra là vào năm 2008. Như vậy, quy định nay đã bao trùm công nghệ đứng sau tính năng gợi ý video riêng tư trên TikTok.
Động thái của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh ngày một xấu đi. Bất kỳ giao dịch nào liên quan tới công nghệ có trong danh sách đều phải được sự cấp phép của nhà nước, do đó khiến nỗ lực thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ của ByteDance càng phức tạp hơn.
Cục Thương mại Bắc Kinh, thành phố ByteDance đặt trụ sở, ra thông báo hôm 30/8 rằng sẽ thi hành quy định một cách nghiêm túc và hối thúc các doanh nghiệp làm theo. Những người mua tiềm năng của TikTok được cho là đang thảo luận 4 giải pháp để có thể mua lại TikTok từ ByteDance. Reuters đưa tin hai trong số bốn lựa chọn là xin Trung Quốc cấp phép mua lại thuật toán hoặc mua TikTok mà không cần thuật toán.
Nếu thương vụ bán TikTok không bao gồm thuật toán mà dịch vụ sử dụng, những người mua Mỹ sẽ cần thêm thời gian để ứng dụng có thể hoạt động, theo Wong Kam Fai, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Hong Kong. Đồng thời, mức giá mà họ đưa ra cũng thấp hơn nhiều so với dự kiến. ByteDance có thể không đồng ý bán TikTok với mức giá như vậy hoặc người mua sẽ cho rằng mua TikTok không kèm thuật toán là giao dịch không hấp dẫn.
Theo ông Wong, nhà chức trách Trung Quốc đã tìm được cách hiệu quả để trì hoãn hoặc tránh việc thoái vốn, song ByteDance và nhà sáng lập Zhang Yiming lại bị mắc kẹt trong xung đột giữa hai nước. Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại Bộ Thương mại, nhận xét thời gian công bố cập nhật mới cấp tốc là vì thương vụ TikTok tại Mỹ.
Thời gian đang không ủng hộ TikTok. Nếu không thể chọn được người mua để chốt giao dịch vào giữa tháng 9, ứng dụng video này đối mặt với nguy cơ bị Tổng thống Donald Trump cấm cửa vào ngày 20/9. Dù TikTok nổi tiếng với các video hát nhép, nhảy múa, quan chức Mỹ lại lo lắng thông tin người dùng có thể bị chuyển sang Bắc Kinh. TikTok phủ nhận điều này.
Từ tháng 8, ByteDance bắt đầu đàm phán bán TikTok tại Mỹ, Australia, New Zealand và Canada. Walmart tuần trước thông báo sẽ cùng với Microsoft tham gia mua lại TikTok, chỉ vài giờ sau khi CEO TikTok Kevin Mayer từ chức. Trong khi đó, Oracle bắt tay cùng một số nhà đầu tư hiện tại của TikTok để cạnh tranh với Microsoft.
Du Lam (Theo SCMP)
Gian nan thương vụ bán TikTok tại Mỹ
Những người mua tiềm năng đề xuất 4 lựa chọn để có thể khôi phục đàm phán với TikTok tại Mỹ.