Ông Surin Pitsuwan, tổng thư ký sắp mãn nhiệm của ASEAN nói rằng, châu Á đang bước vào giai đoạn “tranh cãi nhiều nhất” trong những năm gần đây khi Trung Quốc trỗi dậy, quả quyết trong tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông bất chấp sự chồng lấn với các nước Đông Nam Á khác.
Mỹ không chứng thực hộ chiếu 'lưỡi bò' TQ
Ấn Độ trả đũa TQ vụ 'hộ chiếu lưỡi bò"
TQ thách thức dư luận với bản đồ 'Tam Sa'
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan. Ảnh: jakartapost |
“Chúng ta phải lưu tâm tới thực tế rằng, Biển Đông có thể trở thành một Palestine khác” nếu các quốc gia không nỗ lực hơn để tháo gỡ thay vì làm leo thang căng thẳng, ông nhấn mạnh.
Với sự phát triển kinh tế và quân sự, Bắc Kinh trở nên quả quyết, thậm chí là gây hấn hơn trong khẳng định chủ quyền ở Biển Đông – vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu khí, nguồn cá và có những lộ trình vận chuyển quan trọng với thương mại thế giới.
Sau những vụ đụng độ nhỏ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines – những nước cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng Brunei và Malaysia – Trung Quốc đã ngang nhiên tiến thêm những bước đi mới khiến láng giềng bất bình như in hình bản đồ thể hiện chủ quyền với hầu hết Biển Đông (gọi là đường chín đoạn hay đường lưỡi bò) trên hộ chiếu mới.
Việt Nam và Philippines đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về hộ chiếu Trung Quốc in kèm cả “đường lưỡi bò” phi pháp không được quốc tế công nhận.
Ấn Độ cũng đã khẩn trương in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc. Hành động này được Ấn Độ đưa ra sau khi phát hiện Trung Quốc in hình hai khu vực Arunachal Pradesh và Aksai China (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như thể đó là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc.
Mỹ trong phản ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã công bố thay đổi chiến lược, hướng tập trung về châu Á và xây dựng các mối quan hệ quân sự, chiến lược chặt chẽ hơn với nhiều nước trong khu vực.
Theo đánh giá của ông Pitsuwan, mắc kẹt giữa hai cường quốc, các nước Đông Nam Á sẽ ngày càng chịu áp lực lớn về việc nên đứng về phía nào, trừ phi họ có thể đoàn kết với nhau. Tổng thư ký Pitsuwan – một nhà ngoại giao Thái Lan sẽ kết thúc nhiệm kỳ năm năm trong tháng tới.
Ông Pitsuwan lập luận rằng, tình hình đang xấu đi ở Biển Đông là kết quả “những động lực nội bộ của Trung Quốc” với việc Bắc Kinh tập trung vào vấn đề chủ quyền và lãnh thổ vì sự chuyển giao lãnh đạo, vì thịnh vượng gia tăng và vì tư duy quá trình xây dựng quốc gia vẫn đang diễn ra.
Bình luận về Campuchia trong vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN, ông nói. “Campuchia phải tự cân bằng trong một cuộc chơi quyền lực ngày càng căng thẳng. Tôi nghĩ, Campuchia đã làm những gì họ phải làm, bạn cần nhìn vấn đề từ quan điểm của họ”.
Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh, hy vọng tốt nhất để có thể tránh xung đột cho ASEAN và Trung Quốc là sự đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc, không khuyến khích các quốc gia chiếm giữ đảo, mỏ dầu và bãi cá để củng cố cho các tuyên bố chủ quyền của họ.
Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức khi các thể chế chính trị và các cơ chế giải quyết tranh chấp của châu Á vẫn chưa theo kịp sức mạnh kinh tế của một khu vực đang phát triển.
Thái An (theo FT)