- Các số liệu thống kê mới nhất của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy, Trung Quốc vừa soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo sức mua.

Mỹ từng là nền kinh tế dẫn đầu toàn cầu kể từ khi soán ngôi Anh vào năm 1872. Tuy nhiên, hiện Mỹ đã mất vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới vào tay Trung Quốc.

Tạp chí Financial Times đưa tin, IMF, tổ chức đo lường quy mô nền kinh tế các nước dựa trên tỉ giá hối đoái và cân bằng sức mua (Purchasing Power Parity - PPP), phát hiện Trung Quốc đang đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng toàn cầu.

Báo cáo "Viễn cảnh kinh tế thế giới" (World Economic Outlook) của IMF cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc hiện ước đạt 17,6 ngàn tỉ USD, trong khi GDP của Mỹ chỉ vào khoảng 17,4 ngàn tỉ USD, với các điều chỉnh có tính đến chi phí sinh hoạt thấp ở Trung Quốc.

Theo logic về sức mua, giá của hàng hóa không như nhau ở mỗi quốc gia, nên khi đưa ra những điều chỉnh dựa vào sức mua của một nước cũng như quy đổi một loại tiền tệ sang thứ tương đương USD, Trung Quốc đã đánh bại Mỹ. 

{keywords}
(ảnh minh họa - BI)

Các chuyên gia của tạp chí Business Insider giải thích hiện tượng này như sau: "Mặc dù một người bình thường ở Trung Quốc trung bình kiếm được ít hơn nhiều so với một người bình thường ở Mỹ, nhưng việc đơn giản quy đổi mức thu nhập trung bình của một người Trung Quốc sang USD sẽ đánh giá không đúng mức khả năng sức mua của cá nhân đó và cả đất nước đó". Ngoài ra, giá cả hàng hóa ở Trung Quốc cũng rẻ hơn so với ở Mỹ.

Nếu không tính đến những điều chỉnh cho chi phí sinh hoạt như trên, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có giá trị thấp hơn nền kinh tế Mỹ và đang chỉ ở khoảng 10,3 ngàn tỉ USD.

Hồi tháng 4 vừa qua, chuyên gia Chris Giles của Financial Times từng dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt nền kinh tế Mỹ. Dẫu vậy, Mỹ vẫn duy trì việc chiếm tỷ trọng lớn về giá trị nguyên của đồng USD, một khía cạnh mà Trung Quốc vẫn cần phải bắt kịp.

Tuy nhiên, các chuyên gia mô tả việc Trung Quốc soán ngôi dẫn đầu của Mỹ sau hơn 140 năm, ngay cả chỉ xét về sức mua, cũng là một cột mốc mang tính biểu tượng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc đã có ba thập niên tăng trưởng 2 con số trước cuộc suy thoái toàn cầu, khi quá trình công nghiệp hóa và các cải cách kinh tế sâu rộng tạo ra một cường quốc kinh tế mới ở phương Đông. 13 năm trước đây, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành thực thể kinh tế lớn thứ hai toàn cầu sau Mỹ. Và 4 năm lại đây, quốc gia này đã vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống trong những năm gần đây, nhưng vẫn tương đối mạnh theo các tiêu chuẩn của phương Tây, với dự đoán của IMF cho năm 2014 này là 7,4% và năm 2015 là 7,1%. Trong khi đó, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong năm nay chỉ đạt 2,2% và trong năm sau là 3,1%.

Dẫu vậy, các nước đều cho rằng so với kinh tế và một số thực thể kinh tế lớn khác thì hàm lượng của kinh tế Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều. Tạp chí Times nhận định, nền kinh tế Mỹ có tụt xuống vị trí thứ 2 thì sức sáng tạo cũng như tiềm lực lãnh đạo thế giới của Mỹ vẫn ở vị trí hàng đầu và không hề giảm xuống. Thị trường chứng khoán New York vẫn là Trung tâm tài chính tiền tệ lớn nhất thế giới và đồng USD vẫn giữ ưu thế tuyệt đối trên thế giới.

Tờ New York Times cho rằng, nếu tính GDP theo tỷ giá thì GDP năm 2012 của Mỹ đạt trên 16,2 nghìn tỷ USD, gấp hai lần GDP 8,2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Dù kinh tế Trung Quốc duy trì được mức tăng trưởng cao, thì sau hơn 10 năm nữa, vẫn chưa thể vượt kinh tế Mỹ.

Thanh Bình (tổng hợp)