Sụt giảm

Đồng USD vừa trải qua những phiên giảm mạnh và đánh mất hết thành quả tăng từ đầu năm sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 4 không đạt dự báo. Ở thời điểm hiện tại, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) xấp xỉ bằng với mức bắt đầu năm 2021 và có thể giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 2/2018.

Đồng bạc xanh giảm sâu trong bối cảnh niềm tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng tăng lên sau khi Mỹ công bố thông tin không mấy tốt lành về thị trường lao động. Theo đó, tốc độ tăng trưởng trên thị trường này bất ngờ chậm lại do tình trạng thiếu nhân công và nguyên liệu.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tăng mạnh lên mức cao nhất trong 3 năm. Còn đồng bảng Anh cũng tăng vọt khi nước này nhiều khả năng sẽ trở lại trạng thái mở cửa một phần nền kinh tế.

Áp lực đối với đồng tiền dự trữ của thế giới ngày càng lớn, khi mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt, triển vọng phục hồi của các nền kinh tế ngoài Mỹ khởi sắc và Fed tiếp tục cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

{keywords}
Đồng USD suy giảm mạnh.

So với mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 3/2020, chỉ số đo lường biến động đồng USD giảm khoảng 14%. Nhiều quỹ đầu tư lớn dự báo đồng USD sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới.

Theo Citigroup, USD sẽ mất giá bởi sự mềm mỏng của Fed và tâm lý đánh cược vào các loại tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu của các nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Kể từ khi đại dịch bùng nổ tại Mỹ, Fed đã cắt giảm lãi suất về 0% và bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế.

Gần đây, chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục cao mới khi các doanh nghiệp lớn công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh, Washington liên tục bơm các gói kích thích kinh tế và nước Mỹ sắp hoàn thành tiêm vaccine ngừa Covid.

Trong một khảo sát được Reuters thực hiện gần đây, đồng USD được dự báo báo sẽ suy yếu ít nhất trong ba tháng nữa. Nhiều người dự báo sự suy giảm kéo dài tới 6 tháng và một số người cho rằng đồng bạc xanh sẽ giảm giá dài hạn. Chiến lược gia của Societe Generale dự báo trên Reuters, đồng USD vẫn đang trong xu hướng suy giảm và xu hướng đó vẫn còn nguyên vẹn.

Đe dọa vị thế số 1 của đồng USD

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thời gian tới đồng USD đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro. Đó là việc các doanh nghiệp bị đánh thuế cao hơn theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden, là sự hồi phục của quốc gia khác ngoài Mỹ và vấn đề lo ngại liên quan đến vaccine Covid-19.

Trong khi USD suy giảm, đồng NDT của Trung quốc vọt lên mức cao nhất gần 3 năm. Chưa biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có can thiệp thông qua các ngân hàng nhà nước để cắt đà tăng quá nhanh của đồng tiền này hay không, nhưng nó cho thấy sức mạnh tăng lên của nền kinh tế Trung Quốc.

Tỷ giá giữa đồng USD/NDT đang quanh mức 6,44.

Thị trường tiền số trong khi đó sôi động. Đồng Ether lần đầu vượt 4.000 USD sau khi tăng hơn 40% trong tháng 4 và tiếp tục tăng vào đầu tháng 5. Vốn hóa của Ether đã lên sát ngưỡng 500 tỷ USD, bằng gần nửa so với vốn hóa Bitcoin. Theo CoinMarketCap, tổng cộng giá trị vốn hoá của thị trường tiền số đã đạt 2.500 tỷ USD.

{keywords}
Thị trường tiền số đang thách thức vị thế của đồng USD.

Nhiều nhà đầu tư lớn và một số doanh nghiệp như Tesla đã tăng mua vào Bitcoin trong những tháng đầu năm 2021. Tỷ phú Elon Musk coi đây là công cụ tiềm năng để tránh lạm phát trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới ồ ạt in tiền để giải cứu nền kinh tế bị thiệt hại nặng trước đại dịch.

Sự bứt phá cả chục nghìn phần trăm của đồng tiền số Dogecoin khiến các loại tài sản như USD, vàng hay cổ phiếu trở nên lỗi thời. Giá trị vốn hóa của Dogecoin có lúc đã lên tới 120 tỷ USD.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số ở nhiều thành phố. Đã có cả trăm nghìn người tải về ứng dụng di động do PBOC phát hành cho phép họ tiêu những đồng NDT kỹ thuật số tại nhiều nơi, trong đó có những cửa hàng Starbucks và McDonald’s ở Trung Quốc.

Đây là bước đi được cho là có thể giúp Trung Quốc lật đổ ngôi vương của đồng USD, một trong những trụ cột quan trọng nhất của kinh tế Mỹ, giống như việc Amazon tạo ra cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ hay Uber làm đảo lộn hệ thống taxi truyền thống.

Bên cạnh đó, khi những nền kinh tế mới nổi đa dạng hóa tài sản dự trữ, đồng USD của Mỹ đang mất dần vị thế tài sản dự trữ trong thế giới tài chính.

Theo Nikkei Asia Review, tỷ lệ tài sản bằng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của thế giới đã giảm năm thứ 5 liên tiếp trong năm ngoái. Tỷ trọng tài sản bằng đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua, còn 59%.

Trong vài năm qua, Trung Quốc và Nga thúc đẩy đa dạng hóa tài sản nắm giữ bằng nhiều hình thức khác, từ những loại tiền tệ thay thế cho tới tài sản phi tiền tệ như vàng.

Bắc Kinh cũng không ngừng nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong thương mại quốc tế. Việc gia tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được cho là cơ hội tuyệt vời để Trung Quốc thúc đẩy sự quốc tế hóa đồng NDT. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh châu Âu và Mỹ.

Trên thực tế, tới nay, USD vẫn là đồng tiền được lựa chọn cho các giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, vị thế của đồng bạc xanh đang bị thách thức hơn bao giờ hết khi mà đồng tiền này liên tục giảm giá.

Nỗ lực của Bắc Kinh trong hơn một thập kỷ qua nhằm nâng vị thế đồng NDT và làm suy yếu vai trò của đồng USD trong thương mại và đầu tư toàn đã có những kết quả bước đầu. Mong muốn soán ngôi đồng USD của Trung Quốc có thể sẽ không trở thành hiện thực trong tương lai gần, nhưng trong dài hạn rất có thể xảy ra, trong bối cảnh thị trường tiền số ngày càng sôi động và nếu PBOC thành công với đồng NDT kỹ thuật số.

M. Hà