- “Số người được Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải cứu và hỗ trợ trong năm 2014 là 852 người, trong đó có 19 người nước ngoài” - ông Trần Hải Triều – Phó TGĐ Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải VN (Cục Hàng hải VN) cho biết tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015 sáng 7/2.

Cụ thể, trong năm 2014 công tác phối hợp TKCN hàng hải trên biển được duy trì 24/24. Trung tâm cũng đã thu nhận và xử lý 100% các thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải trên vùng biển trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn.

Tổng số vụ báo nạn Trung tâm thu nhận được trong năm 2014 là 428 vụ, trong đó báo nạn thật là 244 vụ.

{keywords}
Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải VN hiện có 4 trung tâm khu vực, 7 tàu TKCN trên biển.

Số lần điều động tàu TKCN hoạt động TKCN trên biểm là 62 vụ với 71 lượt tham gia cứu nạn. Số người được cứu và hỗ trợ là 852 người, trong đó có 19 người nước ngoài. Số phương tiện được cứu và trợ giúp là 59 tàu.

Ông Triều cũng cho biết thêm, trong năm 2014 tình trạng biến đổi khí hậu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên vượt xa dư báo của con người cũng đã làm cho công tác TKCN càng trở nên khó khăn, nguy hiểm và phức tạp.

Trong khi đó, sự phát triển của hệ thống TKCN trên biển còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu thực tiễn.

“Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải VN hiện có 4 trung tâm khu vực, 7 tàu TKCN đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu chịu trách nhiệm tìm kiếm, phối hợp tìm kiếm cứu nạn toàn bộ vùng trách nhiệm trên biển VN với 3260 km chiều dài bờ biển với vùng biển rộng trên 1 triệu km2. Trong khi lực lượng, phương tiện mỏng nên hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển còn khiêm tốn”, ông Triều nêu thực tế.

Thêm vào đó, tình trạng tranh chấp trên khu vực biển đông diễn ra hết sức phức tạp, các quốc gia trong khu vực đang có những hoạt động mạnh mẽ trên vùng biển này, đặc biệt là khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngoài ra, tình trạng cướp biển cũng đã xuất hiện với số vụ ngày càng gia tăng tại vùng biển Đông Nam Á cũng thêm khó khăn, thách thức cho công tác TKCN hàng hải...

Ông Nguyễn Anh Vũ - TGĐ Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải VN cho rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như vậy, nhưng trong điều kiện khó khăn, từ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên của Trung tâm đã phát huy tình thần sáng tạo để khắc phục những hạn chế làm tốt công tác TKCN hàng hải trên biển.

Điển hình cho tinh thần phát huy sáng tạo, vượt khó là tấm gương của máy trưởng Nguyễn Hồng Sơn tàu 412, khi anh đã cải tiến thành công để làm thay đổi công năng tàu xa, tích trữ được nhiên liệu cho tàu ra tận khu vực biển Trường Sa cứu hàng trăm người dân đánh bắt gặp nạn trong năm 2014.

“Trước đây nếu người dân đánh bắt xa bờ gặp nạn ở khu vực này do phương tiện của chúng ta không tiến xa được nên phải nhờ nước ngoài giúp đỡ. Nhưng với việc cải tiến công năng tàu xa của máy trưởng Nguyễn Hồng Sơn đến nay chúng ta hoàn toàn chủ động cứu nạn tại khu vực này”, ông Vũ cho biết.

Sáng kiến của máy trưởng Nguyễn Hồng Sơn đã được Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật và TGĐ Nguyễn Anh Vũ đánh giá cao. Bởi, trước khi sáng kiến của anh Sơn được đưa ra thì Trung tâm cũng đã làm việc với nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm để cải tiến phục vụ cứu nạn tàu xa.

Tuy nhiên, mức giá chi phí cải tạo cho mỗi tàu mà phía Damen đưa là 100 ngàn EU. Như vậy với 3 con tàu cần cải tiến với mức 300 ngàn EU tương đương gần chục tỷ đồng thì sẽ rất khó khăn, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước đang rất hạn hẹp.

Để phát huy tinh thần tự chử sáng tạo trong công TKCN hàng hải, ông Vũ yêu cầu cán bộ nhân viên Trung tâm cần phát huy hơn nữa tính tự chủ, sáng tạo để làm tốt công việc tìm kiếm cứu nạn được giao phó trong năm 2015.

Gia Văn