Ngày 10/8, Tòa án Nhân dân Hà Nội dự kiến mở phiên xét xử ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về tội Lừa dối khách hàng, theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. 

Trước phiên xét xử, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng, người bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân tại chung cư CT6C Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng.

- Là người bảo vệ quyền lợi cho 488 bị hại là cư dân ở chung cư CT6C Kiến Hưng, ông có thể chia sẻ nguyện vọng của các hộ dân ở thời điểm này?

Luật sư Nguyễn Văn Hưng: Những hộ dân ở CT6C đã theo đuổi sự việc rất nhiều năm, họ cũng đã khởi kiện một vụ án liên quan đến đề nghị cấp “sổ đỏ”, sau đó mới có vụ án khởi tố ông Lê Thanh Thản về hành vi lừa dối khách hàng.

Trong yêu cầu ban đầu của người dân, họ rất mong muốn được các cơ quan chức năng xem xét cấp “sổ đỏ” để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, gần đây, khi sự việc ngày càng sáng tỏ thì khả năng được cấp là rất khó khăn.

Người dân rất hoang mang, lo lắng, để bảo vệ quyền lợi cho mình, họ đã thống nhất ngoài đề nghị cấp “sổ đỏ”, họ cũng yêu cầu ông Thản phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi lừa dối khách hàng.

Những trường hợp ký hợp đồng mua căn hộ với ông Thản vào năm 2011 – 2012, khi đó giá căn hộ dao động từ hơn 1 tỷ đồng/căn.

Thời điểm ấy, cũng có thể mua được một căn hộ tương đương ở cùng khu vực. Thế nhưng, khi giá cả leo thang, mỗi căn hộ hiện có giá rất cao.

Về phía ông Thản lại chưa đưa ra được phương án nào để người dân chấp nhận về vấn đề bồi thường thiệt hại.

Tại phiên tòa sắp tới, người dân cũng có yêu cầu, trường hợp nếu nguyện vọng cấp “sổ đỏ” không thể thực hiện được, họ mong muốn phải được bồi thường giá trị tương đương một căn hộ tại thời điểm hiện nay để họ yên tâm, ổn định cuộc sống.

Nếu không được cấp ‘sổ đỏ’, người dân CT6C Kiến Hưng muốn bồi thường giá trị tương đương một căn hộ tại thời điểm hiện tại. 

Còn nếu phía ông Thản đưa ra phương án sẽ hoàn trả tiền theo hợp đồng mua nhà, rõ ràng câu chuyện không đáp ứng được nguyện vọng, cũng như thực tế hiện nay để mua một căn hộ.

Theo quy định của pháp luật, nếu như hợp đồng bị vô hiệu do hành vi lừa dối của bên bán căn hộ thì bên bán phải bồi thường rất nhiều thứ ngoài việc trả lại tiền. Cụ thể như các chi phí người dân đã bỏ vào cải tạo, sửa chữa căn hộ; giá trị chênh lệch của căn hộ đó tại thời điểm hiện tại so với thời điểm bán… 

- Luật sư có vừa nói đến nguyện vọng của người dân CT6C, nếu không cấp được “sổ đỏ”, họ mong muốn phải được bồi thường giá trị tương đương một căn hộ tại thời điểm hiện nay. Như vậy, căn cứ vào mức giá nào, có cần phải có hội đồng định giá?

Hiện nay để giải quyết yêu cầu của người dân, theo cáo trạng của VKS có nhắc đến phương án giải quyết về phần dân sự, có thể tách vụ án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.

Nghĩa là trong vụ án này có 488 người bị hại ở CT6C, để giải quyết triệt để phần dân sự có thể sẽ tách ra để giải quyết mỗi hộ dân, mỗi bị hại là một vụ án, sẽ có đánh giá đầy đủ chính xác về thiệt hại và vấn đề liên quan khác.

Cáo trạng đang mở ra hướng như vậy. 

Tuy nhiên, để Tòa án có chấp nhận quan điểm của cáo trạng hay không thì hoàn toàn do thẩm quyền quyết định của HĐXX.

Song, với những tài liệu chứng cứ qua công tác sao chụp hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa có cơ sở đầy đủ để đánh giá được thiệt hại của người dân, cũng như xác định giá trị căn hộ tại thời điểm hiện nay.

Nếu chỉ căn cứ vào hợp đồng mua bán sẽ rất thiệt thòi cho người dân.

- Vậy, theo quan điểm của luật sư, phương án nào sẽ đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm cho cả hai bên?

Khi giải quyết vụ án hình sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là trách nhiệm của người phạm tội, tòa án giải quyết trong một vụ án sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân.

Trong trường hợp này, nếu như người phạm tội và người bị hại có thể thỏa thuận với nhau tại phiên tòa về một phương án bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người dân thấy phù hợp, thống nhất quan điểm. Tòa án sẽ ghi nhận sự thỏa thuận đó giữa hai bên với nhau. Đó là một phương án mà thực tiễn xét xử các vụ án đã diễn ra rất nhiều việc thỏa thuận này.

Ngoài ra, nếu như giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung thì tòa án sẽ xử để tuyên buộc người phạm tội có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả như thế nào cho người bị hại. Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật cũng như thiệt hại thực tế của người bị hại, chi phí hợp lý theo quy định để tính toán số tiền bồi thường.

Trong vụ án này có đặc thù, số người bị hại đông; số căn hộ có diện tích khác nhau. Đồng thời, trong những người bị hại có những người mua căn hộ từ đầu, có người mới mua. Vì thế, để tìm được công thức chung tính toán cho từng người bị hại trong số 488 bị hại trong vụ án này cũng là bài toán đặt ra cho HĐXX phải giải quyết.

Đây là lần đầu tiên ở nước ta mà ngành Tư pháp phải giải quyết một vụ án có tính chất đặc thù. Đối với tội Lừa dối khách hàng là tội danh mới, được quy định trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Thực tế một số địa phương đã xử lý về tội này, nhưng thường quy mô rất nhỏ, chẳng hạn ở hoạt động mua bán không đúng chủng loạt, số lượng, chất lượng trong hợp đồng.

Xin cảm ơn luật sư!

Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes bị truy tố về tội Lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) theo điểm d, khoản 2 điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Công ty Bemes, hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng công trình dân dụng, kinh doanh bất động sản,...

Năm 2011, UBND Hà Nội ra quyết định cho phép Công ty Bemes chuyển mục đích sử dụng đất đang thuê để thực hiện dự án CT6 Kiến Hưng.

Theo quy hoạch thiết kế được duyệt, dự án có hai tòa chung cư gồm CT6A và CT6B. Tổng số căn hộ được duyệt gồm: 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề.

Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C.