“Đây là hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trung ương”, bà Mai cho biết.
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, 1 trong 4 mối quan tâm lớn nhất của TP lúc này là biến chủng Omicron.
Theo ghi nhận của thế giới, trong những ngày vừa qua, các ca nhiễm trùng đã gia tăng mạnh mẽ, trùng hợp với việc phát hiện ra biến chủng Omicron. Trường hợp nhiễm Covid biến chủng mới này được xác nhận đầu tiên là từ một mẫu vật được thu thập vào ngày 9 tháng 11 năm 2021.
Biến chủng mới này có một số lượng lớn các đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại. Bằng chứng sơ bộ thu được cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các chủng khác. Số lượng các trường hợp của biến thể này dường như đang tăng lên ở hầu hết các nơi ở Nam Phi.
Bởi vậy, "TP đã có sự chuẩn bị", ông Hải cho biết.
Theo đó, ông Phạm Đức Hải nhận định, dù biến thể nào xuất hiện, virus nCoV đều lây qua đường hô hấp. Vì vậy, một trong những điều người dân phải làm tốt nhất, là đeo khẩu trang.
“Dù rất bất tiện nhưng người dân phải thay đổi thói quen để đeo khẩu trang càng nhiều càng tốt. Mở rộng ra là cần chấp hành 5K, giảm tụ tập, giảm thói quen la cà bạn bè. Đó là khuyến cáo và sự chuẩn bị rất lớn của TP”, ông Hải nói.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM. |
Thứ 2, TP đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi các chỉ đạo về biến chủng Omicron của Bộ Y tế. Cho đến thời điểm này, giới khoa học vẫn chưa biết chính xác biến thể này lây lan và độc lực như thế nào. Tất cả vẫn phải chờ khuyến cáo, tài liệu chính thức của Tổ chức y tế Thế giới (WHO).
Thứ 3, TP hiện đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với Omicron. Cụ thể, TP xây dựng bệnh viện dã chiến, chuẩn bị chăm sóc F0, tăng cường trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường xã, tăng cường tiêm vắc xin.
Thứ 4, TP tăng cường phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trong 3 nhóm: y tế công và y tế tư; đông y và tây y; quân y và dân y.
“Đây là những việc để TP chuẩn bị ứng phó với biến chủng mới”, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định.
Tại họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đã có thông tin ban đầu về Omicron.
Bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM phải đặt ECMO vào tháng 8/2021. |
Bà Mai dẫn lại, hiện nay, WHO đang khẩn trương phối hợp cùng các nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về Omicron. Các nghiên cứu được tiến hành trong thời gian ngắn, bao gồm đánh giá khả năng lây truyền, các triệu chứng, thể hiện mức độ nặng khi mắc bệnh, hiệu quả bảo vệ của vắc xin…
Đến thời điểm này, vẫn chưa rõ Omicron có khả năng lây truyền như thế nào so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta. Số người xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở một số khu vực của Nam Phi do ảnh hưởng của biến thể này. Các nghiên cứu dịch tễ đang thực hiện để làm rõ có phải do Omicron hay các yếu tố khác.
Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, chưa có số liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác hay không, bao gồm cả Delta. Số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện tăng ở Nam Phi, nhưng có thể do tổng số người nhiễm bệnh ngày càng tăng, không phải kết quả của nhiễm trùng do Omicron.
Hiện chưa có thông tin cho thấy, triệu chứng nhiễm do Omicron khác so với triệu chứng các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm trùng được báo cáo ban đầu ở các sinh viên trường Đại học, những người trẻ có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn. “Nhưng để hiểu về biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần”, bà Huỳnh Mai dẫn lại thông báo.
Hiện nay, biến thể Delta và các biến thể khác của nCoV đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, gây bệnh nặng và tử vong, nhất là ở đối tượng nguy cơ. Do đó, nguyên tắc là phòng ngừa phải được xem là yếu tố quyết định.
Hoàng Hương