Một cơ quan quản lý các trường học dành cho bé trai ở Ấn Độ sẽ đưa kiến thức dạy cách ly hôn “đúng đắn” vào chương trình học trong nỗ lực nhằm chấm dứt việc những người đàn ông Hồi giáo ly hôn với vợ bằng cách nói 3 lần từ “talaq” (tiếng Ả Rập có nghĩa là “ly hôn”).

{keywords}
Tòa án tối cao Ấn Độ cho rằng việc ly hôn tức thời của người Hồi giáo là vi phạm nữ quyền

Dargah-E-Ala Hazrat – cơ quan quản lý 15.000 chủng viện Hồi giáo – đã công bố quyết định này sau khi Tòa án tối cao đưa ra phán quyết cấm việc ly hôn tức thời.

Các học giả Hồi giáo cho rằng, việc ly hôn tức thời là không phù hợp với luật Hồi giáo.

Một giáo sĩ cao cấp của cơ quan này cho biết, họ sẽ giới thiệu một chương dành riêng cho việc ly hôn. Chương trình học của các chủng viện từng đề cập tới vấn đề ly dị nhưng không nói chi tiết.

“Chúng tôi đã tiến hành một cuộc họp các giáo sĩ liên quan tới các chủng viện sau khi Tòa án tối cao đưa ra phán quyết, đồng thời yêu cầu các giáo sĩ thông báo tới cộng đồng Hồi giáo thông qua các học sinh và thông báo trong các buổi cầu nguyện vào thứ Sáu về cách đúng đắn để tiến hành ly hôn” – ông Maulana Shahbudin Razvi, một giáo sĩ cao cấp của trung tâm cho hay.

Ông nói thêm rằng, rõ ràng là việc ly hôn tức thời đang được áp dụng ở Ấn Độ là vi phạm luật Hồi giáo.

Bởi vì các chủng viện chỉ nhận học viên là bé trai nên ông Rizvi hi vọng các cậu bé sẽ gửi thông điệp này tới gia đình các em.

Trung tâm cũng dự kiến sẽ chia sẻ chương trình giảng dạy về ly hôn cho các trường học muốn áp dụng. Theo dự kiến, chương trình mới sẽ được đưa ra vào tháng 7/2018 khi năm học mới bắt đầu.

Bất chấp phán quyết của Tòa án tối cao, vẫn có nhiều tờ báo đưa tin các phụ nữ Hồi giáo đã khiếu nại với cảnh sát rằng chồng của họ đã ly hôn họ bằng cách nói từ “talaq” (ly hôn) 3 lần.

  • Nguyễn Thảo (Theo BBC)